Đoàn Thanh niên tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên vượt qua khó khăn, trụ vững trước đại dịch COVID-19.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Vũ Quang Đạo, sinh năm 1993, thôn Ngô Thôn, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh trở về địa phương rồi tiếp tục xung phong đi nghĩa vụ quân sự. Rời quân ngũ, nhận thấy tiềm năng từ làm nông nghiệp, anh Đạo quyết định khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Theo anh Vũ Quang Đạo, hiện nay, nhiều thanh niên khởi nghiệp bằng cách làm nông nghiệp, từ đó xuất hiện các mô hình kinh tế hay, sáng tạo. Tuy nhiên, ở Xuân Lai, hầu hết người dân sản xuất, kinh doanh theo hướng truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao.
Tận dụng diện tích đất của gia đình khoảng 7.000 m2, cuối năm 2020, anh Đạo dành một nửa để đào ao thả cá, số còn lại trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Bắt tay vào thực hiện, anh tìm đến kênh vay vốn khởi nghiệp của thanh niên đang trong quá trình giải ngân số tiền 400 triệu đồng. Cùng với đó, anh Đạo mua 70 con dúi, 1.000 con thỏ và tập trung xây dựng chuồng trại. Để lấy thức ăn cho thỏ và dúi, Đạo trồng thêm mía, rau, nuôi giun.
Kiên trì, tỉ mỉ từ khâu chọn giống, chăm sóc, đến nay, sau 3 tháng, đàn dúi của gia đình anh đã đến thời điểm sinh sản và thỏ có thể xuất bán. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gia đình anh không thể xuất bán. Đến nay, khoảng 1/3 số thỏ của anh đạt trọng lượng tối đa, cần xuất bán nhưng không tiêu thụ được nên mỗi ngày bên cạnh công chăm sóc, Đạo phải bỏ ra hơn 500.000 đồng tiền cám chăm thỏ, chưa kể nguy cơ rủi ro khi xuất hiện dịch bệnh trên thỏ.
"Bên cạnh tự vận động các mối quan hệ của bản thân tìm đầu mối, mình rất mong sự giúp đỡ, tìm hướng "giải cứu" của các tổ chức Đoàn", anh Đạo bày tỏ.
Cũng giống như anh Đạo, với mong muốn đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, năm 2015, chị Nguyễn Thị Trâm, sinh năm 1990, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, hướng đến sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm của công ty dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C. Nhờ đầu ra ổn định, năm 2016, Trâm thuê 5 ha đất tại địa phương để xây dựng mô hình sản xuất rau. Ban đầu chị chọn loại cây ngắn ngày như xà lách, rau dền, rau muống, mồng tơi, các loại củ và măng tây.
Vốn năng động, sáng tạo, Trâm nhanh chóng nắm bắt xu hướng thị trường, chị mày mò, nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư xây dựng 1ha nhà màng trồng các loại nông sản khác như dưa baby, cà chua, cải bẹ, rau muống thủy canh, cần tây ép nước… Vì thế, doanh thu công ty tăng trưởng vượt bậc, từ 500 triệu đồng năm 2015 tăng lên 13 tỷ đồng năm 2020, trừ chi phí, công ty thu lãi 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.
Tháng 2/2021, trang trại rau của chị Trâm đến thời kỳ thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ hoặc có tiêu thụ thì giá thấp khiến gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Theo chị Trâm, năm nay, chị đẩy mạnh sản xuất cà chua, các loại rau nhằm đáp ứng nhu cầu của các bếp ăn tập thể khi công nhân, học sinh quay trở lại làm việc, học tập và phục vụ nhu cầu ăn uống trong mùa du lịch đầu năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, một số công ty lùi thời gian làm việc, trường học tạm thời cho học sinh nghỉ học và các quán ăn đóng cửa nên hàng chục tấn nông sản của gia đình bị ồn ứ, không tiêu thụ được, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Trước tình hình trên, các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã giúp chị "giải cứu" lượng lớn cải bẹ, cà chua. Qua đó giúp chị có động lực tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm cho biết, thời gian qua, thanh niên Bắc Ninh đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, trở thành điểm sáng trong các phong trào thanh niên cả nước. Trước sự tác động của dịch COVID-19, các mô hình khởi nghiệp trong thanh niên bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Với vai trò là "bà đỡ" chắp cánh ước mơ khởi nghiệp cho thanh niên, Đoàn Thanh niên tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường phối hợp các ngành rà soát mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Từ đó động viên, hỗ trợ thanh niên có các giải pháp trụ vững, vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, tổ chức Đoàn tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh rà soát, tổng hợp mô hình, thực hiện tạm giãn, hoãn nghĩa vụ trả nợ, nộp lãi cho các mô hình với điều kiện khó khăn cụ thể.
Trong năm 2020, các cấp đã giãn, hoãn nghĩa vụ trả nợ cho thanh niên số vay hàng chục tỷ đồng. Tiêu biểu, với chủ trương hỗ trợ tại chỗ, thời gian qua, các cấp bộ đoàn tỉnh Bắc Ninh thực hiện "giải cứu", tiêu thụ hàng chục tấn nông sản cho nông dân, thanh niên, qua đó, tạo điều kiện kích thích tiêu dùng, lưu thông hàng hóa, giúp tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian tới, Tỉnh đoàn Bắc Ninh tiếp tục đề xuất, kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh quan tâm bổ sung và duy trì nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp; đề nghị chính quyền các cấp có cơ chế quan tâm, hỗ trợ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tập huấn, nâng cao chất lượng quản trị của các doanh nghiệp. Từ đó giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tự tin sáng tạo, khởi nghiệp, làm giàu chính đáng.