Chủ động thay đổi phương thức sản xuất
Nhận thức sâu sắc về tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để kịp thời thích ứng.
Tại tỉnh Quảng Bình, trước dự báo nắng nóng đến sớm, khả năng thiếu nước đối với lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, ngay từ đầu mùa vụ, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa nhiều giống cây ngắn ngày vào sản xuất; đồng thời, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp các huyện theo dõi, đôn đốc các địa phương tuân thủ lịch gieo sạ đúng thời vụ.
Ông Hồ Khắc Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, những năm qua, trước sự biến động liên tục của khí hậu, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động đưa các giống mới trung và ngắn ngày, chịu hạn, chịu sâu bệnh vào sản xuất. Đơn cử vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo cấy gần 30.000ha lúa, trong đó, sử dụng nhiều loại giống trung, ngắn ngày chịu hạn như, VNR20, Nhị Ưu 8, VN20, Hà Phát 3, P6, HN6, QS88, PC6...Tỉnh đồng thời triển khai một số giống lúa mới có triển vọng là LTH31, DT80, Hương Bình, MHC2, Bắc Thịnh, ĐB6, HĐ9, QS88, SV181, QC03…
Cùng với đó, Quảng Bình xây dựng khung thời vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp điều kiện của từng vùng và kế hoạch sản xuất của địa phương, nhờ đó, tránh được thời điểm thiếu nước, rủi ro sâu bệnh.
Không chỉ chuyển đổi cơ cấu giống, tại Nghệ An, nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế nhất định.
Là vùng có thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt tình trạng thiếu nước vào mùa Hè, ngập úng vào mùa mưa khiến việc canh tác của nông dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy việc canh tác trong nhà lưới mang lại hiệu quả cao, nhiều nông dân chủ động chuyển đổi mô hình, tích cực ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào tự nhiên, tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lê Điện, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu cho biết, trước sự thay đổi của khí hậu, việc trồng rau màu theo kiểu truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế. Rau màu dễ bị sâu bệnh, phát triển kém. Nhận thấy hiệu quả mô hình canh tác trong nhà lưới, anh cùng nhiều hộ trong xã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất sang canh tác trong nhà lưới. Ưu điểm của mô hình này là ít phụ thuộc vào thời tiết nên có thể canh tác quanh năm. Ngoài ra, để tiết kiệm phân bón, nước, công lao động, anh Điện tích cực ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, giám sát tự động độ ẩm và điều khiển hoàn toàn qua điện thoại thông minh.
“Mỗi năm tôi trồng 2 vụ dưa lưới, một vụ cà chua vào mùa Đông, trung bình thu hoạch từ 1,5-2 tấn rau quả/vụ. Nhờ canh tác theo phương pháp an toàn, sản phẩm làm ra được thương lái thu mua tận nơi. Dù chỉ canh tác trên diện tích 1.500m2 nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu về hơn 300 triệu đồng”, anh Điện chia sẻ.
Hiện nay, không khó để bắt gặp các mô hình trồng rau màu trong nhà lưới, nhà kính ở các địa phương tại Nghệ An. Tuy nhiên, chi phí xây dựng ban đầu cho mỗi mô hình còn khá đắt đỏ. Để khuyến khích, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy mô hình nông nghiệp xanh, công nghệ cao phát triển bền vững.
Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có gần 200 mô hình nhà lưới, nhà kính với diện tích trên 30ha. Đây là mô hình ít phụ thuộc vào sự thay đổi của thời tiết, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, khuyến khích riêng của từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An cũng có Nghị quyết 18/2021/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, trong đó, quyết định hỗ trợ 50.000 đồng/m2 xây dựng nhà lưới nhưng không quá 200 triệu đồng cho một mô hình. Ngoài ra, một số chính sách khác cũng được tỉnh lồng ghép để hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình sản xuất công nghệ cao.
Từ “rốn lũ” đến Làng du lịch tốt nhất thế giới
Bên cạnh các biện pháp thích ứng, làng Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) là một trong những địa phương điển hình “biến nguy thành cơ” trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Làng Tân Hóa là vùng quê nghèo, thường xuyên bị ngập lụt, được mệnh danh là “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình. Để sống chung với lũ, từ năm 2010, người dân Tân Hóa đã sáng chế ra mô hình nhà nổi, rộng khoảng 20m2, làm bằng gỗ, với hệ thống thùng phuy được cột chặt bên dưới, giúp cho nhà có thể nổi được khi nước lũ dâng cao. Đảm bảo không bị nước lũ cuốn trôi, mỗi một ngôi nhà được thiết kế thêm những cây cột để níu giữ.
Năm 2014, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chua Me Đất, một đơn vị lữ hành đóng trên địa bàn xã Tân Hóa, với tuyến du lịch khám phá Tú Làn cùng nhiều loại hình khác nhau đã đưa Tân Hóa tham gia vào hoạt động du lịch. Người dân Tân Hóa bắt đầu tham gia hoạt động du lịch thông qua các công việc như: khuân vác đồ và hỗ trợ an toàn cho du khách trong các tour mạo hiểm của Công ty. Mỗi năm, các tour khám phá hệ thống hang động Tú Làn, tham quan Làng Du lịch Tân Hóa… đón trên 10.000 lượt khách, mang đến việc làm, nguồn thu nhập và cơ hội học hỏi cho người dân địa phương.
Anh Trương Quang Hoàn, chủ Homestay Hoàn Bé, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, chia sẻ: “Trước đây, khi chưa tham gia vào các hoạt động du lịch, gia đình tôi rất khó khăn, cuộc sống bấp bênh, không có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ khi xây dựng homestay trên mô hình nhà nổi, tham gia vào các hoạt động du lịch, cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện đáng kể".
Trên địa bàn xã Tân Hóa có khoảng 620 căn nhà nổi được xây dựng, người dân không còn lo lắng mỗi khi đến mùa mưa lũ. Với sự đồng hành của chính quyền các cấp và đơn vị, tổ chức, nhiều hộ dân mạnh dạn mở homestay từ chính những ngôi nhà nổi tránh lũ này. Ngoài ra, với sự giúp đỡ, hợp tác của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chua Me Đất, khoảng 120 lao động địa phương đã có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân từ 6 đến hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhiều người được đào tạo, tham gia khóa tập huấn trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn, nhân viên, hướng dẫn viên, lễ tân... Đặc biệt, với mô hình du lịch cộng đồng, người dân Tân Hóa vừa có thể hợp tác với Công ty để phục vụ khách du lịch, vừa có thể làm nông, chăm sóc gia đình hoặc làm thêm công việc khác giúp tăng thêm thu nhập.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, sự kiện Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), nay là Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) vinh danh Làng Du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa là một trong những Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 có ý nghĩa rất lớn. Giải thưởng là hành trang vững chắc giúp cho địa phương vững tin bước ra thế giới, từng bước trở thành điểm du lịch trọng điểm vùng Tây Bắc Quảng Bình. Hiện, các sản phẩm du lịch về thích ứng biến đổi khí hậu, du lịch xanh đang được ngành Du lịch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung tiếp tục bảo tồn và phát triển trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên gắn với phát triển bền vững.
Rõ ràng những sự đổi mới trong sản xuất, quản lý đã giúp một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn biến thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, những “điểm sáng” vẫn còn khá khiêm tốn đòi hỏi các bên liên quan tiếp tục có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hơn nữa. Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh trồng rừng, phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng xem đây là “chìa khóa” giảm thiểu biến đổi khí hậu, tạo dựng tương lai bền vững.
Bài cuối: "Chìa khóa" phát triển bền vững