Những “bông hoa” giữa núi rừng
16 năm quân ngũ thì có tới quá nửa thời gian, Đại úy Xiêng Văn Thang, dân tộc Giẻ Triêng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y gắn bó ở các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn biên giới.
Công tác ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Brâu là dân tộc ít người với 162 hộ/530 khẩu, đời sống còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp nên anh luôn xác định phải gần gũi, giúp đỡ người dân, “nói phải đi đôi với làm”. Rồi chẳng đợi đến khi người dân cần mà hễ thấy nhà nào, làng nào có việc là anh tới, khi thì giúp làm hàng rào, lợp lại mái nhà, lúc sửa chuồng bò, ống nước...
Gắn bó với dân làng nên anh đã tranh thủ uy tín của già làng, trưởng thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm thông qua các mô hình do Đồn Biên phòng Bờ Y triển khai, như: Trồng bời lời, trồng cà phê, cải tạo vườn tạp, trồng cỏ nuôi bò, trồng lúa nước... Cứ thế ngày qua ngày, anh âm thầm, lặng lẽ góp sức mình vun đắp thêm tình đoàn kết, gắn bó quân - dân.
Đặc biệt là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Nói về sự gúp đỡ của BĐBP, trong đó có Đại úy Xiêng Văn Thang, anh Lương Văn Nghị, dân tộc Thái, thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) cho biết: “Năm 2004, gia đình tôi rời quê hương Bá Thước (Thanh Hóa) vào Bờ Y định cư. Những ngày sống ở vùng đất mới là khoảng thời gian gian khổ, bỡ ngỡ, thiếu thốn đủ đường. Nhờ có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y hướng dẫn kỹ thuật trồng cây bời lời, cà phê, cải tạo đồng ruộng nên đến nay gia đình tôi đã đủ lương thực, xây dựng được ngôi nhà mới khang trang trên diện tích 48m2, trị giá gần 100 triệu đồng”...
Còn với Trung tá Vũ Văn Hoằng, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh (Gia Lai) lại là một “bông dã quỳ” biên cương để lại nhiều ân tình với đồng bào dân tộc Jrai. Trung tá Vũ Văn Hoằng được đơn vị cắt cử “biệt phái” tăng cường cho xã Ia Dom huyện Đức Cơ tham gia sinh hoạt cùng cấp ủy địa phương.
Sau thời gian công tác tại Đồn Biên phòng Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, năm 2014 Trung tá Vũ Văn Hoằng được điều động quay trở lại Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh trong vai trò tổ trưởng xây dựng NTM. Sở dĩ nói quay trở lại Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh là bởi trước đó anh đã có 4 năm gắn bó với nơi này.
Trong vai trò mới, anh đã bắt tay vào khảo sát tình hình thực tế và lựa chọn các tiêu chí phù hợp với khả năng, thế mạnh của đơn vị để tham mưu chung sức cùng địa phương xây dựng NTM. Đến cuối năm 2015, Ia Dom trở thành xã đầu tiên trên khu vực biên giới của tỉnh đạt chuẩn NTM.
Trung tá Vũ Văn Hoằng chia sẻ, theo Bộ tiêu chí mới, xã Ia Dom vẫn còn 3 tiêu chí về xây dựng NTM tiếp tục hoàn thiện. Do đó, thời gian qua, đơn vị tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân để củng cố các tiêu chí đã đạt được, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Riêng với tiêu chí hộ nghèo, anh đã tham mưu cho xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo và gắn trách nhiệm các ban ngành với từng hộ.
Nhờ đó, năm 2018, xã đã vượt chỉ tiêu giảm nghèo (giảm được 35 hộ, trong khi chỉ tiêu đặt ra là giảm 23 hộ). Anh cũng tham mưu cho xã quy hoạch và đưa vào sử dụng nghĩa trang; vận động nhân dân trên địa bàn xã ăn ở hợp vệ sinh, đăng ký thu gom rác thải dọc quốc lộ 19 và đường liên thôn để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, đóng góp làm điện đường chiếu sáng...
Dù là nhân viên VĐQC hay cán bộ tăng cường, Đại úy Xiêng Văn Thang hay Trung tá Vũ Văn Hoằng cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần củng cố mối đoàn kết quân - dân.
Biên cương thắm tình hữu nghị
Đi đôi với công tác dân vận, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng đẩy mạnh các phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới như: “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới”, “kết nghĩa thôn - làng hai bên biên giới”... góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là pháp luật về biên giới quốc gia, chính sách dân tộc, tôn giáo cho quần chúng nhân dân. Tích cực, trách nhiệm tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới, nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực quản lý, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đoàn thể, quần chúng.
Bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở nhất là đội ngũ cán bộ quân sự, công an ở các xã biên giới, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và công an xã, thôn, làng. Tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Thời gian qua, việc quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại luôn được các chiến sĩ biên phòng Tây Nguyên chú trọng. Bên cạnh đó, những chiến sĩ quân hàm xanh còn làm tốt công tác phối hợp phòng chống cháy rừng, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường, cứu hộ, cứu nạn.
Tổ chức kết nghĩa giữa các đồn biên phòng của Việt Nam với các đồn, trạm của lực lượng bảo vệ biên giới hai nước: CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia theo chủ đề kết nghĩa “Đồn, trạm hữu nghị, cửa khẩu hài hòa, biên giới bình yên” để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, hỗ trợ vật tư trang bị công tác, giúp đỡ vật chất nâng cao đời sống…
Trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, BĐBP các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) đã chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới theo đúng hiệp định, hiệp ước, thông cáo báo chí của Chính phủ 3 nước, các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đã ký kết.
Những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh Gia Lai đã phối hợp với BĐBP xây dựng 13 căn nhà “Đại đoàn kết hữu nghị”, trong đó, 11 căn cho đồng bào nghèo tại các xã biên giới huyện Ozadao, tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) với số tiền 470 triệu đồng; tham mưu và kết nối việc ký kết chương trình phối hợp giữa Mặt trận cùng các tổ chức chính trị xã hội tỉnh Gia Lai với Mặt trận đoàn kết và các tổ chức của tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia); tổ chức các đợt thăm hỏi, giao lưu, khám chữa bệnh cho các hộ nghèo của tỉnh bạn.
Những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh Gia Lai đã phối hợp với BĐBP xây dựng 13 căn nhà “Đại đoàn kết hữu nghị”, trong đó, 11 căn cho đồng bào nghèo tại các xã biên giới huyện Ozadao, tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) với số tiền 470 triệu đồng; tham mưu và kết nối việc ký kết chương trình phối hợp giữa Mặt trận cùng các tổ chức chính trị xã hội tỉnh Gia Lai với Mặt trận đoàn kết và các tổ chức của tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia); tổ chức các đợt thăm hỏi, giao lưu, khám chữa bệnh cho các hộ nghèo của tỉnh bạn.
Từ năm 2012 đến nay, ba bên tổ chức phối hợp tuần tra song phương ở những khu vực đã được phân giới, cắm mốc, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm chủ quyền biên giới, bảo vệ an toàn hệ thống cột mốc, dấu hiệu đường biên giới của mỗi bên. Bộ Chỉ huy BĐBP hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai chỉ đạo các Đồn Biên phòng giúp đỡ nhân dân, các lực lượng bảo vệ biên giới đối diện trong khả năng, điều kiện có thể về nhà ở, lương thực, thực phẩm, thuốc quân y để bạn giảm bớt phần khó khăn trong sinh hoạt và công tác.
Bên cạnh nguồn lực từ hậu phương hướng ra biên giới là những đóng góp thầm lặng nhưng đầy hiệu quả của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào” với bà con, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận là BĐBP ở các xã, thôn, làng biên giới đã đồng cam cộng khổ đồng hành với nhân dân. Song song với các hoạt động ở nội biên, BĐBP luôn quan tâm công tác đối ngoại nhân dân, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc, hai địa phương có chung đường biên giới quốc gia.
Với tất cả tình cảm, trách nhiệm hướng về đồng bào khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, các chiến sĩ biên phòng luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhận được sự tin cậy, yêu mến của đồng bào các dân tộc. Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả của mình, những cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đã góp phần tô thắm hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng trong lòng nhân dân.