Ngày 25/7/2012, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Cổ vật Việt Nam”, đồng thời khánh thành Phòng trưng bày văn hóa “Óc Eo - Phù Nam” với nhiều hiện vật đặc sắc.
Bảo tàng cũng tiếp nhận tấm bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm Giáp Thìn (1904). Đông đảo người dân đã đến xem để tận mắt chứng kiến bản đồ là vật chứng quan trọng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Thêm bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Ngày 25/7/2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức tiếp nhận tài liệu, hiện vật do một số tổ chức, cá nhân hiến tặng. Trong đó, Tiến sỹ Mai Ngọc Hồng (nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam) đã hiến tặng tấm bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, do Trung Quốc xuất bản năm Giáp Thìn, đời Vua Quang Tự, nhà Thanh (1904).
Tấm bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. |
Tấm bản đồ được Tiến sỹ Mai Ngọc Hồng mua lại từ một cụ già tên là Nguyễn Văn Công (ở Phú Xuyên), trong khoảng thời gian từ năm 1977 - 1978. Tiến sỹ Hồng đã lưu giữ hơn 30 năm. Sau khi tra cứu, dịch nội dung lời dẫn trên tấm bản đồ, ông đã quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị của hiện vật.
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904. Bản đồ được in màu trên giấy, được dán trên vải, có bìa cứng ở ngoài và có thể gấp gọn lại như một cuốn sách. Đây là tấm bản đồ nguyên vẹn, có chiều ngang 115 cm, chiều dọc 140 cm, gồm 35 mảnh nhỏ (16 cm x 27,6 cm) ghép lại.
Theo bản dịch nội dung lời dẫn trên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Tiến sỹ Mai Ngọc Hồng, thì đây là tấm bản đồ được đích thân các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện. Đến năm 1904, Nhà xuất bản Thượng Hải đã chính thức xuất bản tấm bản đồ này tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh. Điều đáng chú ý là trong tấm bản đồ cổ này, điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ vẽ đến đảo Hải Nam. Như vậy, đây là một bằng chứng tư liệu do chính phía Trung Quốc xuất bản khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Theo Tiến sỹ Mai Ngọc Hồng, tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là tấm bản đồ do người Trung Quốc xây dựng và ấn hành thời gian đầu thế kỷ XX, do vậy bên cạnh giá trị về mặt lịch sử nó còn là cơ sở giúp các học giả Việt Nam trong các nghiên cứu chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, hoặc các nghiên cứu chung về Biển Đông. Ông hiến tặng tài liệu quý này cũng vì mục đích chung đó.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tấm bản đồ cổ hơn 100 năm tuổi này được thể hiện bằng ngôn ngữ bản đồ hiện đại, mang tính chất Nhà nước, do triều đình Trung Quốc cùng với chuyên gia nước ngoài, những nhà truyền giáo vẽ nên. Hiện vật này cho chúng ta một thông điệp, vào thời điểm năm 1904, người Trung Quốc đã nhận thức lãnh thổ của họ chỉ đến Hải Nam. Chính vì vậy, bên cạnh giá trị tự thân của cổ vật, tấm bản đồ là cơ sở khoa học, lịch sử của chủ quyền quốc gia chúng ta với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực Biển Đông.
Tiến sỹ Vũ Quốc Hiền - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng cho rằng, sự xuất hiện của tấm bản đồ cổ do chính Trung Quốc vẽ này đã thêm một bằng chứng thuyết phục để khẳng định tính pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo ông Hiền, sau khi tiếp nhận, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiến hành bảo quản sơ bộ, lập hồ sơ hiện vật và sẽ tổ chức trưng bày, phát huy giá trị của hiện vật, giới thiệu và quảng bá tấm bản đồ đến công chúng và du khách trong và ngoài nước.
Nhiều cổ vật quý của Việt Nam
Hơn 50 cổ vật tiêu biểu, đặc sắc được lựa chọn kỹ lưỡng từ các bộ sưu tập của hội viên và của bảo tàng được giới thiệu với du khách. Các hiện vật trưng bày có niên đại từ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2.500 năm) tới thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX) gồm nhiều loại hình như trống đồng, ấm, chuông, thạp, chân đèn, bình, tráp, bát, muôi, chóe... được làm từ nhiều chất liệu như đồng, gốm. Đặc biệt, trong trưng bày lần này, lần đầu tiên, công chúng được chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ trang sức vàng từ thời Chúa Nguyễn như vòng tay bằng vàng cẩn pha lê; trâm hình phượng bằng vàng chạm; trâm vàng, bạc chạm... được chế tác rất tinh xảo, thể hiện nét tài hoa của người thợ kim hoàn thế kỷ XVIII.
Nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng tổ chức khánh thành Phòng trưng bày "Óc Eo - Phù Nam". Hơn 100 cổ vật quý của nền văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trên cơ sở tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu trước Công nguyên, cách ngày nay khoảng 2.000 năm ở khu vực đồng bằng Nam bộ. Hiện vật trưng bày gồm nhiều chất liệu như gốm, kim loại quý, gỗ, đá và một số bằng đồng. Vật liệu xây dựng và phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung được tìm thấy là các di vật chủ yếu trong kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo. Các hiện vật quý như vàng, đá mã não, thạch anh, thủy tinh... được chế tác thành vòng, nhẫn, khuyên tai, dây chuyền, hạt chuỗi với nhiều kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng khác nhau. Đáng chú ý là các lá vàng dập nổi hình mặt người, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí và chữ Phạn cổ...
Phương Lan