Theo ngành công an, kế hoạch xử lý này là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông nói chung, tuy nhiên dư luận lại đang có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Khó xử phạt
Qua tìm hiểu của phóng viên, mặc dù kế hoạch 09/PCSGT Hà Nội về thông báo xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông đã được Công an TP tuyên truyền từ lâu trên báo đài, loa phát thanh đường phố, nhưng nhiều người dân không để ý đã tỏ ra bất ngờ khi bị CSGT tuýt còi thông báo lỗi.
Vỉa hè phố Đinh Lễ không còn chỗ trống cho người đi bộ (ảnh chụp chiều 2/2). |
Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1 chốt trực trên phố Đinh Tiên Hoàng, tuyến đường có đông người đi bộ, cho biết: Thực hiện kế hoạch 09, ngày 1/2/2016 xử phạt hành chính, nhưng trong những ngày đầu, lực lượng CSGT vẫn chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền cho những trường hợp đi bộ vi phạm và chỉ xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, gây nguy hiểm cho người khác.
Bị xử phạt 50.000 đồng vì đi bộ sang đường không đúng nơi quy định trên phố Đinh Tiên Hoàng, anh Đỗ Văn Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) chia sẻ: Tôi chưa biết quy định này, nên khi bị lực lượng chức năng thông báo lỗi, yêu cầu nộp phạt, tôi khá bất ngờ. Tương tự, anh Tạ Việt Dũng ở Hà Tĩnh bị CSGT thổi phạt cũng khá bất ngờ, nhưng cho rằng đây là việc làm cần thiết, để tránh gây nguy hiểm cho người khác.
Chị Nguyễn Thị Thúy, làm nghề bán hàng rong ở Bắc Giang cho hay: “Người lao động bán hàng rong như tôi khi tham gia giao thông thường cảm thấy rất bối rối về các biển báo. Khi đi lại qua đường nhiều lúc thường đi theo thói quen. Trước đây, tôi chưa từng bị xử phạt vì không đi đúng vạch kẻ dưới đường, bây giờ được nhắc nhở, bản thân cũng cần tự giác và ý thức hơn với việc đi bộ cho đúng quy định để không làm ảnh hưởng đến người khác”.
Mặc dù trong những ngày qua đã có những người đi bộ sai quy định bị xử phạt, tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, việc xử phạt là khá khó khăn. Theo Đại úy Đức, mọi người khi ra đường đều phải mang theo giấy tờ tùy thân. Những trường hợp không mang theo giấy tờ tùy thân hoặc viện dẫn lý do, lực lượng CSGT sẽ kết hợp với công an cơ sở mời về trụ sở công an phường làm rõ địa chỉ, lập biên bản xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, qua ghi nhận, hầu hết các trường hợp người đi bộ khi bị CSGT tuýt còi kiểm tra đều viện dẫn do vội, không mang theo giấy tờ và tiền, khiến lực lượng CSGT mất nhiều thời gian để xử lý.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết: Điều 32 Luật Giao thông đường bộ quy định rõ: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường những nơi có đèn tín hiệu, có vạch sơn kẻ đường, có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Người đi bộ chỉ qua đường khi đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi qua đường…
Đường nào cho người đi bộ?
Theo ngành công an, việc xử phạt người đi bộ là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông nói chung, tuy nhiên dư luận lại đang có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Nhiều người dân khi được hỏi về kế hoạch xử phạt này của Phòng CSGT Hà Nội đều bày tỏ sự đồng tình, cho rằng việc này đáng ra phải triển khai từ lâu, làm nghiêm và thường xuyên, nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông, chứ không đợi đến bây giờ, khi giao thông Hà Nội có quá nhiều bất cập và ngành chức năng không quản được thì cấm.
Theo quy định, người vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 60.000 đồng nếu đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; khong chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. Phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng nếu mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn, đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Phạt tiền từ 80.000 - 120.000 đồng nếu đi bộ vào đường cao tốc. |
Tuy nhiên, không ít người dân cũng tỏ ra bức xúc, phản ánh rằng nhiều tuyến phố, tuyến đường hiện nay tại Thủ đô, nhất là khu phố cổ, từ lâu đã không còn vỉa hè dành cho người đi bộ, thậm chí đã bị chiếm dụng hết, khiến cho người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường.
Anh Minh Tuấn (Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ thắc mắc: “Hiện nay hầu hết vỉa hè tại Hà Nội đều bị lấn chiếm. Người đi bộ thường phải đi xuống lòng đường, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường được xác định là nguyên nhân gây tai nạn và ách tắc giao thông rất cao, vậy mà không phạt, lại phạt người đi bộ. Như vậy có phải là quy trình “ngược” hay không?".
Anh Lê Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) phân tích: "Điều chỉnh hành vi người đi bộ cho đúng lộ trình và luật lệ là điều cần thiết, nhưng trước khi đưa quy định này vào cuộc sống cần có những bước chuẩn bị. Tức là phải “mở lối” cho người bộ. Theo tôi trước hết phải xử lý người lấn chiếm vỉa hè, dành lối thông thoáng cho người đi bộ rồi mới tính đến việc xử lý người đi bộ vi phạm”.
Đối với những ý kiến của người dân, Đại úy Nguyễn Minh Đức cho biết, hiện tại, lực lượng CSGT chỉ xử phạt ở những tuyến đường có biển báo, đèn báo tín hiệu và vạch kẻ đường. Những tuyến phố bị lấn chiếm, Phòng CSGT Hà Nội tới đây sẽ phối hợp với Sở GTVT rà soát điều chỉnh cho phù hợp. Việc xử phạt chỉ nhằm mục đích mong muốn người đi bộ tham giao thông có ý thức hơn với chính bản thân mình và cho người khác.