Bắt đầu diễn ra từ hôm qua (ngày 10/5), Chiến dịch tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp kinh doanh bản quyền phần mềm (BQPM) trong việc tôn trọng BQPM, do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) phối hợp tổ chức đã được triển khai. Đây là một hoạt động trọng tâm của chiến dịch BQPM năm nay...
Tuyên truyền nâng cao ý thức
Không chỉ đoàn thanh tra liên ngành, các doanh nghiệp bị vi phạm BQPM vào cuộc; giờ đây, các luật gia cũng đã tham gia vào hành trình này. Và người đầu tiên là luật gia sở hữu trí tuệ Vũ Mạnh Hùng. Luật gia Vũ Mạnh Hùng sẽ được chương trình hợp tác này ủy quyền đến các công ty kinh doanh máy tính và phần mềm để tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp này tôn trọng và chấp hành nghiêm túc luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm.
Số lượng người mua phần mềm có bản quyền rất hạn chế. Ảnh: Lê Phú |
Ngày 10/5, hành trình mở màn của luật gia Vũ Mạnh Hùng là siêu thị điện máy Nguyễn Kim (Hà Nội). Cùng tham gia hành trình đầu tiên này của luật gia là Phó chánh Thanh tra của Bộ VH,TT&DL Phạm Xuân Phúc. Sau khi được luật gia Vũ Mạnh Hùng tuyên truyền về những văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến việc bảo hộ bản quyền, đại diện siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã nhận bản "Khuyến cáo về các hành vi vi phạm BQPM" của chương trình. Bản khuyến cáo này sẽ được treo tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim, như một lời nhắc nhở về việc tôn trọng BQPM với doanh nghiệp này cũng như với những người tiêu dùng.
Theo đại diện BSA, chiến dịch này sẽ được tiến hành trước tiên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và mục tiêu là hướng tới người sử dụng cuối cùng thông qua việc tuyên truyền, vận động những công ty kinh doanh phần mềm không bán và cài đặt phần mềm không có bản quyền vào máy tính khi bán cho khách hàng. "Thực tế, việc cài đặt sẵn các phần mềm không có bản quyền vào máy tính mới để bán cho khách hàng là một hành vi khuyến khích người mua máy tính mới sử dùng phần mềm lậu, hoặc việc này làm cho nhiều khách hàng không biết là họ đã mua phải máy tính đã có cài đặt sẵn là nhân tố làm gia tăng tình trạng phần mềm vi phạm bản quyền. Việc cung cấp hoặc hỗ trợ cài đặt phần mềm không có bản quyền hiện nay của phần lớn các công ty kinh doanh máy tính đang vi phạm BQPM tại Việt Nam" - TS Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết.
Theo đại diện BSA cũng như các doanh nghiệp bị vi phạm bản quyền nhiều hiện nay như Lạc Việt, Bkis, Microsoft, chính những người cung cấp máy tính đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi nạn vi phạm BQPM. "Nếu các nhà cung cấp nghiêm túc chấp hành Luật Sở hữu trí tuệ, không cài sẵn hoặc hỗ trợ cài đặt các phần mềm không có bản quyền vào máy tính khi bán cho người sử dụng thì dần dần người sử dụng sẽ thay đổi được nhận thức, từ bỏ thói quen sử dụng phần mềm không có bản quyền" - đại diện BSA nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH, TT & DL: “Mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm BQPM đối với khối người tiêu dùng sẽ thực hiện theo từng bước. Trước tiên là việc tuyên truyền, vận động các nhà cung cấp máy tính tôn trọng BQPM. Tiếp đó, nếu các doanh nghiệp kinh doanh máy tính này vẫn không tự giác chấp hành thì các biện pháp thực thi mạnh tay hơn như thanh, kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc sẽ được áp dụng. Thông qua những chiến dịch tuyên truyền như thế này, đại diện Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tin rằng ý thức tôn trọng BQPM của các doanh nghiệp máy tính cũng như người tiêu dùng sẽ dần được nâng cao, từ đó sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ vi phạm BQPM tại Việt Nam trong những năm tới".
Có chuyển biến, nhưng chưa mạnh
Trong nhiều năm qua, với sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA, cuộc chiến chống lại nạn vi phạm BQPM tại Việt Nam đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Những năm gần đây, tỉ lệ vi phạm BQPM máy tính đã giảm đáng kể ở Việt Nam, từ mức 92% trong năm 2004 xuống mức 85% trong năm 2009. Riêng trong năm 2011, đoàn thanh tra liên ngành đã tổ chức 111 cuộc thanh tra trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả thanh tra trong những năm gần đây cho thấy, việc tuân thủ pháp luật về BQPM tại khối doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm BQPM tại khối người tiêu dùng thì lại tăng khá nhanh do tốc độ tăng trưởng quá nhanh của máy tính cá nhân. "Bên cạnh đó, thanh tra mới chỉ triển khai ở mức thanh tra theo đơn thư khiếu nại gửi tới, tất nhiên việc thanh tra diện rộng là thuộc thẩm quyền của chúng tôi, nhưng tới giờ vẫn chưa có điều kiện triển khai được" - đại diện Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết. Bởi những lý do này, nên tuy có giảm nhưng tỉ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam là rất lớn.
"Đã tới lúc người tiêu dùng nên coi việc mua phần mềm có bản quyền giống như việc mua máy tính, có như vậy thì thị trường phần mềm của Việt Nam mới có điều kiện để phát triển. Ví như với phần mềm Bkis của chúng tôi, nếu chỉ cần 20% số người sử dụng máy tính của Việt Nam bỏ tiền mua với giá 20 USD/năm, thì doanh nghiệp cũng có thêm tới 20 triệu USD để đầu tư trở lại" - đại diện Bkis cho biết. Còn trên thế giới, trong một nghiên cứu mới đây của IDC, hãng nghiên cứu, dự báo thị trường hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, có dự báo rằng, nếu tỉ lệ phần trăm vi phạm BQPM máy tính giảm được 10 điểm trong vòng 4 năm thì ngành công nghiệp phần mềm sẽ có thêm được 623 triệu USD doanh thu. Nói như vậy, mới thấy được sự "tổn hại ghê gớm" của việc "dùng chùa" lâu nay của người tiêu dùng, điều khiến thị trường phần mềm Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung bị kéo chậm lại rất nhiều.
P.V