Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: “Hiện nay, chủ đề tài nguyên môi trường luôn là trọng tâm, được cộng đồng đặc biệt quan tâm, được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đăng, phát với dung lượng, thời lượng nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn. Nhiều cơ quan báo chí cũng đã thành lập, vận hành các chương trình, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về tài nguyên và môi trường, góp phần không nhỏ trong quá trình lớn mạnh của ngành tài nguyên và môi trường”.
Nói về thực trạng rác thải nhựa hiện nay, PGS. TS Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thừa nhận thực trạng biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương.
Chính phủ hiện đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng Kế hoạch) và Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vào ngày 17/6/2019.
Về trách nhiệm của công tác tuyên truyền, báo chí trong Phong trào “Chống rác thải nhựa”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, để cuộc vận động chống rác thải nhựa đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền cần tập trung vào nhiều nội dung khác nhau. Trong đó, chú trọng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chống chất thải nhựa, bảo vệ môi trường sống không chỉ trong hiện tại mà còn về lâu dài...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, đối tượng tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa là toàn xã hội, nhưng cần tập trung vào doanh nghiệp và hộ gia đình để họ chủ động giảm rác thải nhựa trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Càng lan tỏa bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng cần tập trung những đối tượng để tác động mạnh mẽ hơn.
“Chúng tôi mong rằng các cơ quan báo chí nhận thức được tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường nói chung, chống rác thải nhựa nói riêng để đưa ra kế hoạch tuyên truyền mang tính đậm nét, thường xuyên. Cùng với đó, tăng những tin bài mang tính thực tiễn, kinh nghiệm, phổ biến kiến thức khoa học, kinh nghiệm trong chống rác thải nhựa”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài nói.