Ngày 18/6, UBND tỉnh Nghệ An và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 -21/6/2019) và trao Giải Báo chí năm 2018.
Nghệ An: Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Nghệ An Trần Duy Ngoãn đã ôn lại lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam trong 94 năm qua và khẳng định những năm qua, báo chí tỉnh Nghệ An đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cơ quan báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; phản ánh đúng đắn, nhanh chóng và sinh động về mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh.
Báo chí Nghệ An đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình trong phát triển kinh tế, cách làm văn mới, người tốt, việc tốt; thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa xứ Nghệ, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa độc hại.
Báo chí cũng đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội, tác động tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh; cổ vũ, động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Nhiều vấn đề, vụ việc nóng phát sinh từ cơ sở đã được báo chí đề cập, phản ánh, được lãnh đạo tỉnh lắng nghe chỉ đạo giải quyết kịp thời; được dư luận hoan nghênh, góp phần vào sự đồng thuận và ổn định trong xã hội. Bên cạnh đó, các phóng viên, nhà báo đã mang hình ảnh, văn hóa, con người Nghệ An đến với bạn bè trong nước và quốc tế thông qua các bài báo, phóng sự ảnh, truyền hình…
Nghệ An là tỉnh có môi trường báo chí sôi động. Đội ngũ nhà báo, phóng viên, cộng tác viên báo chí đông đảo với với gần 300 nhà báo và hàng ngàn cộng tác viên. Trên địa bàn có 8 cơ quan báo chí thuộc tỉnh Nghệ An và 62 cơ quan đại diện và phóng viên thường trú.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định tầm quan trọng của báo chí đối với sự phát triển của tỉnh; mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong hoạt động báo chí; đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, làm tăng sức hấp dẫn, thuyết phục đáp ứng ngày càng cao của độc giả, cạnh tranh ngày càng lớn của thông tin truyền thông hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân; tăng cường quảng bá hình ảnh Nghệ An tới bạn bè trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đối ngoại của tỉnh.
Dịp này, Giải Báo chí Nghệ An năm 2018 cũng được trao cho các tác giả, nhóm tác giả xuất sắc, trong đó 2 tác phẩm đoạt giải nhất gồm: Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế: Nhìn từ cách làm ở Nghệ An (phóng sự báo in của tác giả Thiên Thảo Báo Công an Nghệ An); Nghệ An - đường lớn đã mở (phim tài liệu của nhóm tác giả Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An). Bốn tác phẩm đoạt giải nhì gồm: Lật tẩy thủ đoạn buôn người xuyên biên giới (Phóng sự điều tra báo in của Phạm Bằng - Tiến Hùng Báo Nghệ An); Rừng sa mu 100 tuổi kêu cứu trên đỉnh Pù Lon (phóng sự điều tra báo điện tử của tác giả Quốc Huy - Quang Mậu Báo điện tử Vietnamnet; Trên đường băng (phim tài liệu báo hình của Ngọc Dũng và Sơn Hiếu (Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An); Góc nhìn mở: Chất lượng nguồn nhân lực nhìn từ công tác đào tạo nghề (chương trình tổng hợp báo nói của nhóm tác giả Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An. Ban tổ chức cũng đã trao 9 tác phẩm đoạt giải ba và các tác phẩm giải khuyến khích.
Đà Nẵng: Phát biểu tại lễ kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí đã ôn lại chặng đường gian khó nhưng hào hùng của nền báo chí cách mạng nước nhà. Trải qua quá trình lịch sử, báo chí cách mạng luôn đồng hành trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, đội ngũ những người làm báo ngày càng đông đảo hơn, được trang bị để tác nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu ngày càng cao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những người làm báo cần phải bản lĩnh, nâng cao trình độ và khả năng tác nghiệp. Trong thời gian qua, đội ngũ những người làm báo tại thành phố Đà Nẵng đã chung tay góp sức, tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như những quyết sách của thành phố đến với đông đảo người dân. Đồng thời tích cực tham gia phản biện xã hội, nêu gương người tốt việc tốt… góp phần ổn định chính trị, giữ vững trật tự xã hội. Đó là những nguồn động lực không nhỏ để thành phố liên tục phát triển về mọi mặt, xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung.
Dịp này, UBND thành phố tổ chức trao Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng lần thứ XVI – năm 2018. Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng lần thứ XVI thu hút 109 tác phẩm của 22 đơn vị báo chí Tung ương và địa phương trên địa bàn thành phố. Trong đó, có những đơn vị có số lượng dự thi nhiều nhất là Báo Đà Nẵng (30 tác phẩm), Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (24 tác phẩm), Báo Công an Đà Nẵng (12 tác phẩm)… Qua chấm chọn, Ban tổ chức đã quyết định trao giải cho 32 tác phẩm thuộc 5 thể loại báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, điện tử và ảnh báo chí). Trong đó, có 5 giải nhất gồm các tác phẩm: Phản ánh “Mở lối xuống biển” (nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hà và Lê Hoàng Hiệp – Báo Đà Nẵng), phóng sự “Vững vàng nơi đầu sóng” (tác giả Lê Công Hạnh – Báo Công an Đà Nẵng), ký sự “Cửa Hàn” (nhóm tác giả Nguyễn Vinh Quang, Nguyễn Văn Phú, Lê Tiến Sỹ, Thành Đồng – Báo Nhân Dân), phóng sự phát thanh “Mất niềm tin là mất tất cả” (nhóm tác giả Phan Xuân Ánh, Ngô Văn Hai – Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng) và loạt bài điều tra “Tour 0 đồng” của tác giả Hồ Xuân Mai – Báo VietTime. Ban tổ chức cũng trao 7 giải nhì, 9 giải ba và 11 giải khuyến khích cho các tác giả có tác phẩm có chất lượng.