Để ổn định cuộc sống cho người dân, bên cạnh công tác định canh định cư, tỉnh Quảng Nam ưu tiên nhiều nguồn lực để xây dựng các công trình kiên cố ở những khu vực xung yếu, có nguy cơ lở đất và lũ quét cao.
Đến bây giờ, anh Lê Tấn Thành, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My vẫn chưa quên trận sạt lở núi vào giữa tháng 11 năm 2020 khiến hàng nghìn mét khối đất đá từ núi cao đổ xuống vùi lấp Quốc lộ 40B giữa lúc hàng chục người dân địa phương đi qua đoạn đường này. Vụ sạt lở khiến 3 người bị thương, một người mất tích, nhiều ngày sau mới tìm được thi thể. Vụ sạt lở tiếp tục là lời cảnh báo về tính chất nguy hiểm của nạn sạt lở núi và nguy cơ tiềm ẩn tại các khu vực xung yếu cần được xử lý triệt để nhằm ngăn chặn hiểm họa có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào trong mùa mưa lũ. “Vào mùa mưa lũ, bà con ở đây thường xuyên được chính quyền nhắc nhở để ý đến hiện tượng lạ thường như các vết nứt xuất hiện trên đồi núi hoặc xuất hiện dòng nước chảy mới để báo cáo chính quyền và di dời đến nơi ở tạm. Tuy nhiên, nhiều khi vết nứt ở trên núi cao nên rất nguy hiểm”, anh Thành lo lắng.
Qua khảo sát, nhu cầu bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 là hơn 7.800 hộ, trong đó có 2.360 hộ vùng thiên tai sớm được di dời để đảm bảo an toàn. Mục tiêu đến hết năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành sắp xếp, ổn định dân cư miền núi với nguồn kinh phí khoảng 9 tỷ đồng. Riêng đối với các công trình chống sạt lở, do tính chất bức thiết, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các ngành có liên quan và chính quyền địa phương phải khắc phục mọi khó khăn về vật tư, nhân lực do ảnh hưởng của dịch bệnh để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo an toàn vượt lũ.
Ông Nguyễn Hoàng Lam, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, địa bàn tỉnh hiện có 17 công trình dân sinh, hồ thủy lợi, kè chống sạt lở ven sông ở những khu vực xung yếu đang được gấp rút thi công nhằm đảm bảo an toàn vượt lũ và có khả năng bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân trong mùa mưa lũ sắp tới. Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nguồn vật tư, nhân lực, song chủ đầu tư vẫn yêu cầu các đơn vị thi công quản lý thật chặt đội ngũ công nhân và người lao động ngay tại chân công trình, khắc phục khó khăn về vật tư để tập trung thi công công trình, đảm bảo an toàn vượt lũ trước mùa mưa lũ năm 2021.
Tái định cư, sắp xếp lại dân cư là câu chuyện dài. Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai ở các huyện miền núi, bên cạnh việc rà soát, thống kê những vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở núi, lũ ống, lũ quét, những khu vực bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông để triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các huyện miền núi đã ưu tiên nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng các tuyến kè nhằm ngăn chặn sạt lở ở những khu vực xung yếu; xây dựng cọc tiêu, bảng cảnh giới, nhất là khu vực ven sông, hồ đập, những đoạn đường thường xuyên bị ngập lũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh “Tính mạng con người là trên hết. Đối với những công trình có tính đặc thù, có ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và tài sản của người dân như kè chắn sạt lở núi, sạt lở ven sông, công trình chống sạt lở các khu dân cư, tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư, các địa phương phối hợp giải quyết dứt điểm những khó khăn tồn tại, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp thời đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”.
Bài học từ các trận sạt lở núi, lũ ống, lũ quét hồi cuối năm 2020 và bão Côn Sơn (bão số 5) vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cấp bách về tái định cư cho người dân ở miền núi, vùng sạt lở ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở núi. Một trong những giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra là phải được thực hiện theo đúng quy trình sắp xếp lại dân cư gắn liền với việc xây dựng các công trình thật sự có khả năng bảo vệ an toàn về tài sản và tính mạng của người dân.