Bảo đảm điều kiện hoạt động của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin khi sáp nhập

Thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW và Nghị quyết 19/NQ-TW về tổ chức sắp xếp lại một máy của hệ thống chính trị, thời gian gần đây, tại một số địa phương đã tổ chức sắp xếp, sáp nhập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin với một số tổ chức quần chúng khác.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc hợp nhất này chưa được chuẩn bị kỹ, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Hội, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.

Phát sinh bất cập

Chú thích ảnh
Các nạn nhân da cam được học nghề làm hoa voan tại cơ sở 3 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Thời gian gần đây, một số địa phương đã thực hiện sáp nhập một số Hội có chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động gần giống nhau, tên gọi cũng gộp theo dạng “liên kết hội”. Việc làm này là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết 19/NQ-TW “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kết luận 102/KL/TW về hội quần chúng của Bộ Chính trị Khóa XI.

Trong quá trình sáp nhập, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được sáp nhập với một số hội như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Bảo trợ xã hội, Hội Bảo vệ trẻ mồ côi và người khuyết tật… 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực cho rằng, việc sáp nhập các tổ chức để tinh gọn bộ máy là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình sáp nhập, nhiều địa phương chưa xây dựng đề án, lộ trình cụ thể hoặc có sự sáp nhập chưa hợp lý, dẫn đến hoạt động của một số Hội Nạn nhân chất độc da cam cấp huyện gặp khó khăn, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Chia sẻ thêm về vấn đề này ông Nguyễn Thế Lực cho biết, hiện có ba dạng sáp nhập. Dạng thứ nhất là do Hội da cam chủ động đứng ra xin sáp nhập và giữ vai trò chủ trì. Ví dụ như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã sáp nhập với Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi thành Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh. Hay ở Bến Tre, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh sáp nhập với Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Chủ tịch của các hội này đều là những người hiểu rõ về công tác da cam, đồng thời công tác da cam vẫn là công tác nòng cốt nên sau sáp nhập vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam, việc huy động nguồn lực cũng đạt hiệu quả cao.

Dạng sáp nhập thứ hai là Hội Nạn nhân da cam sáp nhập với một hay một số hội khác nhưng Hội Nạn nhân da cam không đóng vai trò chủ trì. Các hội này vẫn hoạt động tương đối tốt.

Dạng thứ ba, Hội Nạn nhân da cam sáp nhập vào thành một bộ phận của hội khác. Ở những Hội này, công tác hội không sử dụng những người đã nghỉ hưu, sử dụng những người đang tại chức. Điều này làm mất tính chất phong phú của hội quần chúng. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, các hội này sẽ phải thực hiện báo cáo, xin ý kiến qua nhiều cấp trong khi Chủ tịch Hội thường chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác da cam nên việc sáp nhập Hội Nạn nhân da cam vào một phần của hội khác khiến hội rất khó hoạt động, tính năng động cũng giảm đi.

Xem xét lại các mô hình sáp nhập

 

Chú thích ảnh
Một giờ học văn hóa ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực cho rằng, nếu hội sáp nhập vào một hội khác, nhiệm vụ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân sẽ bị ảnh hưởng, khó thực hiện được. Bên cạnh đó, hội viên của hội gồm những người hoạt động kháng chiến, con đẻ và cháu của họ bị nhiễm chất độc da cam. Vì thế, hoạt động của Hội vừa thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” đối với những người có công với nước, vừa phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” đối với nhân dân ở những vùng bị nhiễm chất độc hóa học.

Ông Nguyễn Thế Lực chia sẻ: Hiện, Trung ương Hội chưa đưa ra phương án đối với các hội sáp nhập. Nhận thức được rằng mọi sự sắp xếp lại trong thời gian đầu bao giờ cũng có nhiều khó khăn, vì vậy, Trung ương Hội đề nghị các cấp Hội nắm tình hình các địa phương đã sáp nhập Hội với các hội quần chúng hoặc các cơ quan khác, để kịp thời rút kinh nghiệm về tổ chức hoạt động trong tình hình hiện nay. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục cho phép duy trì mô hình tổ chức như hiện nay, không sáp nhập cùng với hội quần chúng khác. Trong trường hợp cần thiết sáp nhập, nên có phương án, mô hình sáp nhập phù hợp, thống nhất trong cả nước để đảm bảo cho các hội sáp nhập vẫn có điều kiện hoạt động tốt nhất, phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình; có thể xem xét chỉ thực hiện sáp nhập tại cấp xã ở những địa phương cần thiết hoặc chọn một vài địa phương đại diện cho từng miền để tổ chức điểm, sau đó nhân rộng ra toàn quốc.

Minh Huệ (TTXVN)
Trao cơ hội cho các nạn nhân da cam
Trao cơ hội cho các nạn nhân da cam

Hiện nay ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, chỉ có gần 400.000 người được hưởng chính sách trợ cấp của nhà nước. Các nạn nhân rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để được chăm sóc sức khỏe và có thêm động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN