Bảo đảm quyền lợi khi giãn dân phố cổ

Để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong khu phố cổ, Hà Nội đang tích cực triển khai Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng khu nhà giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên.

Lo lắng về kế sinh nhai

Căn nhà số 47 Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số những ngôi nhà thuộc diện di tích kiến trúc truyền thống cần được cấp bách bảo tồn nên sẽ di dời ngay trong giai đoạn 1 của Đề án (2015 - 2017). Ngôi nhà này đã quá xuống cấp, không đảm bảo an toàn do khoảng không gian hơn 200 m2 bị chia năm sẻ bảy cho nhiều gia đình cùng sinh sống. Mỗi gia đình trong ngõ lại cơi nới nhà theo một kiểu khác nhau. Nhưng điểm chung nhất là họ phải sống trong cảnh tối năm, ẩm thấp, giữa trưa mà vẫn phải bật đèn để sinh hoạt.

Những hộ sống trong chung cư Cao Thắng sẽ di dời theo dự án giãn dân giai đoạn 1.


Là 1 trong 3 hộ dân còn sống tại số nhà 47 Hàng Bạc, bà Nguyễn Thị Quế cho biết: “Căn nhà đã quá xập xệ, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào”. Vừa nói chuyện, vừa bày biện những bát bánh trôi nước bày bán trong tủ kính, bà Quế cho biết rất mong đợi Đề án giãn dân để gia đình sớm được ổn định chỗ ở. Hiện mới thấy cán bộ phường đo đạc nhà cửa chứ chưa nhận được thông báo cụ thể nào về kế hoạch giãn dân. Khi được biết khu tái định cư thuộc đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, chỉ cách trung tâm khoảng 20 phút đi xe máy), bà Quế rất phấn khởi, hy vọng sẽ được ưu tiên một căn hộ tầng trệt để tiếp tục buôn bán và có thêm một khoản tiền đền bù hợp lý để dành dụm dưỡng già.

Còn gia đình cô Bùi Thị Hạ sống tại căn nhà nhỏ số 32 ngõ Phất Lộc, trong con ngõ cũng rất nhỏ chỉ vừa đủ để một người đi bộ, xe máy không thể dắt lọt nên mỗi gia đình phải tốn thêm vài trăm nghìn mỗi tháng để gửi xe ở đầu phố. Chật ních là vậy nhưng lối đi chung tại đây vẫn được tận dụng để xây thêm cầu thang dẫn lên các căn nhà tầng trên, làm nơi cất trữ than củi, bếp núc và giặt giũ… Do không có khả năng tự mua nhà nên biết tới Đề án giãn dân, cô Hạ rất mong đợi để có cơ hội sống ở nơi khang trang hơn. Cô Hạ cho biết: “Nhà cửa chật chội, bí bách cũng sinh ra lắm bệnh tật. Vợ chồng con cái sống không được thoải mái. Khổ thân mấy đứa cháu chẳng có chỗ chạy nhảy... Tuy nhiên, tôi vẫn không khỏi băn khoăn về thu nhập của gia đình trong tương lai, ở đây dù chỉ sống trong hai, ba mét vuông đất nhưng lại có cơ hội buôn bán thuận lợi. Chỉ cần cái thúng, cái mẹt bê ra đầu đường cũng kiếm được một khoản trang trải cuộc sống hàng tháng”.

Cũng chung nỗi lo về kế sinh nhai nên hộ dân sinh sống tại khu tập thể 15 Cao Thắng, đối diện với chợ Đồng Xuân, đến nay, vẫn không muốn chuyển chỗ ở dù điều kiện sống có chật chội. Bởi “nhất cận thị, nhị cận giang”, nơi đây có vị trí vô cùng thuận tiện để họ buôn bán và làm nơi tập kết hàng hóa. Anh Nguyễn Toàn Thắng, một cư dân làm nghề trông xe máy cho biết: “Tiền kiếm được từ trông xe máy nuôi sống gần chục người trong gia đình tôi. Nếu chuyển sang khu chung cư mới, liệu rằng tôi có còn được trông xe kiếm sống như bây giờ không? Nói chi đến những nhà có mặt tiền kinh doanh, kiếm tiền như nước, họ còn khó từ bỏ đất này hơn”.

Sẽ có chính sách với từng đối tượng

Theo đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, việc giãn dân phố cổ là chủ trương lớn của thành phố Hà Nội. Toàn bộ Đề án giãn dân sẽ thực hiện di chuyển 6.500 hộ dân với 26.000 nhân khẩu. Trong đó, giai đoạn một (2015 - 2017), sẽ triển khai di chuyển 1.500 hộ dân.

Về quyền lợi của người dân trong kế hoạch thực hiện chủ trương giãn dân, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho biết, với những hộ thuộc diện bắt buộc di dời, sẽ được tái định cư tại khu nhà ở giãn dân phố cổ Việt Hưng (quận Long Biên). Các hộ dân sẽ được miễn phí 30 m2 căn hộ tái định cư, phần diện tích trên 30 m2 được trả dần. Nếu hộ dân không đủ điều kiện mua sẽ được thuê nhà theo diện chính sách xã hội. Trường hợp không nhận nhà tái định cư, ngoài tiền đền bù diện tích bị thu hồi theo khung giá đất của thành phố còn được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng. Nếu hộ dân đã nhận nhà tái định cư nhưng không có nhu cầu ở có thể bán nhưng đối tượng này không được quay trở lại để ở tại diện tích đã thu hồi.

Theo bà Lê Quỳnh Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu nhà giãn dân phố cổ. Giai đoạn 1, khu nhà giãn dân phố cổ tại khu Đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) được xây dựng trên diện tích rộng hơn 11 ha, quy mô gồm 16 khối chung cư cao 8 - 9 tầng, 1 công trình hỗn hợp cao 15 tầng và 1 nhà trẻ cao 3 tầng. Tổng nguồn vốn triển khai giai đoạn 1 khoảng 5.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Cơ cấu căn hộ giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng có diện tích từ 45 - 70 m2. Từ khảo sát xã hội về nhu cầu của người dân, khu nhà phục vụ giãn dân phố cổ tại đây sẽ có hệ thống ki-ốt để phục vụ nhu cầu kinh doanh của người dân. Khoảng gần 40% các hộ dân sẽ được xem xét bố trí ki-ốt kinh doanh, đảm bảo cuộc sống.

“Để có thể triển khai giai đoạn 2 của Đề án, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục đề xuất thành phố bố trí 30 ha để di dời khoảng 5.000 hộ dân còn lại, đạt mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020”, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.

Xuân Minh - Hoàng Trang

Triển khai đề án giãn dân phố cổ Hà Nội
Triển khai đề án giãn dân phố cổ Hà Nội

Ngày 22/12/2014, thành phố Hà Nội đã phê duyệt chấp nhận cơ chế đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ, quận Hoàn Kiếm. Với quyết định này, Đề án giãn dân phố cổ giai đoạn 1 sẽ bước vào giai đoạn triển khai chi tiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN