Khu phố cổ Hà Nội được biết đến là một di sản đô thị cổ, gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội với các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, buôn bán giao thương sôi động, tạo nên các phường hội, phường nghề mang những nét riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, khu phố cổ ngày nay trải rộng trên diện tích khoảng 81 ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm với tổng dân số điều tra năm 2010 là gần 6,7 vạn người tương ứng mật độ 823 người/ha. Với mật độ dân số đông như vậy, việc giãn dân để giảm sức ép cho phố cổ Hà Nội đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia là cần thiết. Quận Hoàn Kiếm đang nỗ lực triển khai đề án giãn dân, tháo gỡ mọi khó khăn, tạo đồng thuận cao trong nhân dân nhằm đạt đúng mục tiêu đề ra.
Đề án mang tính xã hội cao Hàng chục năm nay, phố cổ Hà Nội chịu sức ép về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Theo số liệu thống kê, toàn khu vực có 570 hộ với 2.152 nhân khẩu sống xen lẫn trong các đình, đền chùa, cơ quan, trường học 1.623 hộ sống trong các nhà xuống cấp nguy hiểm, nhà đông hộ cần được di dời 200 ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần được bảo tồn.
Một góc khu phố cổ Hà Nội. |
Tại đình Trương Thị (số 50 Hàng Bạc) có tới vài chục hộ gia đình sinh sống nhiều đời nay và đều thuộc diện chiếm dụng đất của di tích. Số nhà 53 Hàng Buồm có tới 50 hộ tương ứng với 200 nhân khẩu sinh sống chen chúc trong điều kiện không gian chật hẹp, thiếu ánh sáng. Số hộ trong cùng số nhà này đủ để tính thành một tổ dân phố, sinh hoạt như một cộng đồng dân cư thu nhỏ. Số nhà 52 Hàng Bè vốn là một ngôi nhà cổ rộng nhưng qua hàng chục năm đã trở thành nơi trú ngụ của gần 20 hộ gia đình với gần 100 nhân khẩu, trong đó có gia đình phải sống trong diện tích khoảng 10 m2 với các điều kiện vô cùng thiếu thốn…
Các ngôi nhà trong phố cổ Hà Nội đều được xây dựng từ rất lâu, có nhà tuổi thọ trên 100 năm nhưng do diện tích chật hẹp, quá đông hộ sinh sống hoặc do điều kiện bảo tồn di tích phố cổ nên không thể cải tạo, đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hộ dân trong cùng một số nhà phải dùng chung công trình phụ, trưng dụng lối đi làm nơi nấu nướng, để vật dụng gây bất tiện trong sinh hoạt gia đình và cả những hộ xung quanh.
Đường phố luôn “oằn mình” bởi lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Được hình thành từ năm 2000 nhưng do những khó khăn, phức tạp riêng, mãi đến năm 2013, Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội mới chính thức được UBND thành phố phê duyệt. Theo đề án này, mật độ dân số khống chế đến năm 2020 là 500 người/ha, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người ra khỏi phố cổ.
Đề án ra đời nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo ông Vũ Văn Viện - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Đề án sẽ góp phần cải thiện môi trường đô thị trong khu vực phố cổ và cải thiện đời sống nhân dân trong khu vực phố cổ, một bộ phận người dân được di dời đến nơi ở mới với điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Một mặt, Đề án tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và các công trình kiến trúc có giá trị trong khu phố cổ Hà Nội, tạo điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Khó khăn của cuộc “đại di dời” Chưa bao giờ, quận Hoàn Kiếm, thậm chí là cả Hà Nội phải đối mặt với cuộc “đại di dời” như vậy. Việc di chuyển này, quận Hoàn Kiếm thực hiện làm hai giai đoạn trong đó giai đoạn 1 sẽ di dời 1.530 hộ tương đương 6.120 người sang Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) với diện tích được quy hoạch 11,12 ha, thực hiện từ năm 2013 – 2016 giai đoạn 2, di chuyển tiếp 5.020 hộ tương đương 20.080 người với diện tích đất cần bố trí là 30 ha, thực hiện từ năm 2014 – 2020.
Tuy nhiên, quỹ đất giai đoạn 2 chưa được quy hoạch và quận Hoàn Kiếm đang đề nghị UBND thành phố bố trí tiếp. Hiện quận Hoàn Kiếm cùng các ban, ngành liên quan đang gấp rút thực hiện giai đoạn 1 của Đề án giãn dân phố cổ.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Với mục tiêu bảo tồn phố cổ, đối tượng giãn dân lần này được chúng tôi xếp theo thứ tự ưu tiên là giải phóng mặt bằng bắt buộc với các hộ sống trong đình, đền, chùa, các cơ quan, trường học, các công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, các công trình nguy hiểm. Còn các hộ dân sống trong các khu nhà do Nhà nước quản lý có mật độ cao, các hộ dân sống trong các biển số nhà đông hộ, các chung cư xuống cấp và các hộ dân khác có có nhu cầu tự nguyện di chuyển sẽ được tạo điều kiện hoặc được vận động di chuyển.
Tuy vậy, với một cuộc “đại di dời” liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân thuộc nhiều thế hệ,nhất là các gia đình đã sinh sống nhiều đời nay tại phố cổ Hà Nội với những thói quen, tập quán gắn liền với đặc trưng nơi này là điều không đơn giản. Điều đó cũng tạo nên áp lực lớn cho những người đang thực hiện Đề án nhằm tìm ra được tiếng nói chung giữa Nhà nước với nhân dân, tạo sự nhất trí cao để Đề án đi đúng mục tiêu đề ra.
Thực thế, vài năm qua, quận Hoàn Kiếm đã đưa nhiều hộ dân ở các đình, đền, chùa tái định cư phân tán tại các quỹ nhà do thành phố Hà Nội bố trí. Nhưng lần này, cuộc giãn dân có quy mô lớn, thực hiện đồng bộ cả đầu đi và đầu đến, đòi hỏi huy động tổng lực của nhiều cấp ngành liên quan.
Trong khi đó, thời gian thực hiện giai đoạn 1 đã đi gần nửa đoạn đường. Một mặt, việc quản lý diện tích nhà ở, đất ở sau khi các hộ dân di chuyển và kiểm soát ngăn ngừa tái chiếm cũng là bài toán phức tạp, dù quận Hoàn Kiếm đã tính đến các phương án này. Việc triển khai xây dựng khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị mới Việt Hưng cũng gặp một những khó khăn nhất định do trình tự thủ tục kéo dài, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng.
Cũng phải nhìn nhận rằng, Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội kéo dài nhiều năm qua bởi không chỉ mang tính xã hội cao mà đây còn là Đề án rất đặc thù, quận Hoàn Kiếm vừa làm vừa nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Đinh Thị Thuận