Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương về công tác dự báo tình hình bão lụt năm 2011.
Xin ông cho biết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo như thế nào về mùa mưa bão năm nay?
Rất khó để có thể dự đoán được diễn biến của cả một mùa mưa bão trước nhiều tháng bởi thời tiết luôn có sự biến động theo quy luật và bất quy luật. Lãnh thổ Việt Nam nằm trải dài tới gần 20 vĩ độ từ Bắc xuống Nam, lại là nơi giao tranh của nhiều hệ thống gió mùa đối lập nhau nên tính biến động của thời tiết khí hậu hàng năm là rất lớn và rất khó dự đoán.
Theo kết quả phân tích, tính toán bước đầu cho thấy mùa mưa năm nay sẽ đến sớm hơn ở nhiều khu vực. Cụ thể là ở Bắc bộ và Nam bộ, Tây Nguyên, mùa mưa sẽ bắt đầu vào nửa cuối tháng 4, đầu tháng 5; ở Trung bộ vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Mưa tập trung nhiều vào đầu và giữa mùa, ít hơn vào cuối mùa.
Bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng xuất hiện sớm (trước tháng 6), số lượng xấp xỉ trung bình nhiều năm, khoảng 10-12 cơn; khoảng một nửa trong số đó đổ bộ và ảnh hưởng đến nước ta. Những năm gần đây các cơn bão thường có cường độ mạnh, hướng di chuyển thay đổi thất thường và năm nay cũng không loại trừ hiện tượng này.
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều từ biến đổi khí hậu, như vậy có phải càng ngày Việt Nam càng hứng chịu thêm nhiều thảm họa thiên tai với cấp độ mạnh hơn không, thưa ông?
Đúng là thời tiết và khí hậu ngày càng “đỏng đảnh” hơn, biến đổi trái quy luật; các hiện tượng dị thường, cực đoan xảy ra ngày càng nhiều và rất khó dự tính trước. Phân bố dân cư, các vùng kinh tế trọng điểm lại tập trung nhiều ở vùng ven biển, cửa sông, các thung lũng, những nơi dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra.
Theo thống kê, thiên tai và thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai gây ra không phủ nhận những cố gắng vượt bậc của nhân dân ta trong công tác phòng chống. Bởi nếu chúng ta tổ chức phòng chống không kịp thời, hiệu quả thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều lần.
Năm ngoái, miền Bắc và miền Trung trải qua hai đợt nắng nóng cao nhất trong vòng gần 50 năm qua. Liệu tình trạng này còn tiếp diễn trong năm nay nữa không, thưa ông?
Ở nước ta, năm ngoái là năm nắng nóng nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, giữa mùa đông (những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Dần) mà nóng như mùa hè, nhiệt độ tháng 6 ở nhiều tỉnh, thành phố vượt giá trị lịch sử. Trên phạm vi toàn cầu năm 2010 cũng là năm nhiệt độ cao và nóng kỷ lục trong hơn một thế kỷ qua.
Năm nay, theo nhận định của chúng tôi, hành tinh của chúng ta sẽ mát mẻ hơn. Điều này không có nghĩa là nắng nóng không xảy ra. Nó vẫn xuất hiện nhưng trên phạm vi hẹp hơn và ít khắc nghiệt hơn.
Ở nước ta cũng trong xu thế chung như vậy, số đợt nắng nóng và độ gay gắt ít hơn năm ngoái. Tuy nhiên, những ngày nắng nóng với nhiệt độ lên tới 39-40oC, riêng ở vùng núi Tây Bắc và Bắc Trung bộ có thể lên tới 41-42oC.
Ở Bắc bộ, Trung Trung bộ các tháng đầu mùa sẽ có nhiệt độ thấp hơn so với trung bình nhiều năm, các tháng nửa cuối mùa ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Trong những tháng nửa đầu mùa hè, các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ vẫn có khả năng xảy ra một số đợt nắng nóng, nhưng mức độ sẽ ít hơn, phạm vi ảnh hưởng không rộng, cuờng độ không gay gắt và kéo dài như năm 2010.
Xin cảm ơn ông!
Hữu Vinh (thực hiện)