Bão số 11 làm 5 người chết và mất tích

Sáng 15/10 bão số 11 đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung gây thiệt hại về người và tài sản. Theo thống kê sơ bộ, bão số 11 đã làm 5 người chết và mất tích, 27 người bị thương, hàng nghìn nhà bị hư hỏng, nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc, cột điện, cây cối bị gẫy đổ.

Quảng Nam là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tính đến trưa 15/10, bão số 11 đã làm 5 người chết và mất tích, 7 người bị thương; trong đó 3 người chết.

Thiệt hại nặng nề do bão số 11 gây ra tại Đà Nẵng. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Bão cũng làm trên 5.200 ngôi nhà sập và tốc mái. Trên các tuyến đường, nhất là đoạn Quốc lộ 1A từ thành phố Tam Kỳ đến huyện Thăng Bình bị ngập nhiều đoạn như: đoạn từ cây xăng Tân Thạnh, phường Hòa Thuận (thành phố Tam Kỳ) và đoạn tại Quán Gò, xã Bình An (huyện Thăng Bình)… Khối lượng sạt lở ban đầu ước tính khoảng 2.500 m3. Đã có 40 chiếc tàu chìm và 5 chiếc bị hư hỏng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã đến Quảng Nam trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục bão lũ. Sau khi đi thực địa tại hiện trường, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao công tác phòng chống bão số 11 tại Quảng Nam, nhất là công tác sơ tán dân. Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẩn trương rà soát lại những hộ dân bị thiệt hại do bão để có hướng hỗ trợ kịp thời đồng thời lên phương án đối phó với lũ sau bão; kiên quyết không để người dân đói sau bão, lũ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang tích cực chỉ đạo các địa phương, các ngành khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 11, lên kế hoạch phòng chống lũ, đồng thời huy động lực lượng thanh niên, đoàn thể giúp nhân dân dựng lại nhà cửa, sớm ổn định chỗ ở, tiếp tục sản xuất.

Tại Quảng Trị, gió giật từ cấp 9-10 cùng với mưa lớn đã làm 8 người bị thương, nhiều căn nhà bị sập và tốc mái, cây cối gãy đổ ngổn ngang, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng mất điện.

Theo báo cáo sơ bộ ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn là nơi chịu thiệt hại nặng nhất với 1 người bị thương; 75 nhà và 5 trường học bị tốc mái; 1 thuyền bị chìm tại chỗ, 3 thuyền khác bị hư hỏng do va chạm với nhau; hơn 150 ha hoa màu bị hư hỏng, trong đó chủ yếu là cây hành. Các huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Sơn Tây có 15 nhà bị tốc mái; hàng chục ha cây keo bị ngã, đổ, gây ách tắc trên nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã; nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; hàng chục ha hoa màu như hành, ngô vụ mùa bị ngã đổ.

Do một đoạn đường sắt Bắc – Nam qua thành phố Đà Nẵng bị hư hỏng, nên hiện có 3 chuyến tàu phải tạm dừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. UBND tỉnh đang phối hợp với Ban quản lý đường sắt Quảng Ngãi có kế hoạch hỗ trợ nơi ăn, ở cho các hành khách.

Tại Đà Nẵng, cũng có 11 người bị thương do bão số 11. Thành phố Đà Nẵng bị mất điện trên diện rộng, 2 nhà máy nước lớn nhất của thành phố là Cầu Đỏ và Sân Bay đã bị mất điện nên không thể vận hành, các lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục,̃ có thể sử dụng máy phát điện để đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân.

Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chịu thiệt hại do bão số 11. Đến thời điểm hiện tại, thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, nặng nhất là thị trấn Lăng Cô và các vã vùng ven biển, ven phá Tam Giang. Cây xanh ở trục các đường chính và về các khu dân cư bị gẫy đổ.


Nhóm phóng viên TTXVN















Bộ đội thức trắng đêm cùng người dân vùng bão
Bộ đội thức trắng đêm cùng người dân vùng bão

Bão số 11 đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Nam với cường độ tăng dần bắt đầu vào khoảng 23 giờ ngày 14/10. Người dân được khuyến cáo là không ra đường, để phòng ngừa nguy hiểm. Trong khi đó hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của bộ đội biên phòng, bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam suốt đêm không ngủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN