Bão tan, miền Bắc đón không khí lạnh

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo khoảng trưa mai (30/10), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Bắc bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ.

Sáng nay (29/10), sau khi đi vào khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh, bão số 8 đã suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Hồi 8 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10 km, suy yếu và tan dần. Đây là tin cuối cùng về cơn bão này.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo khoảng trưa mai (30/10), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Bắc bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ có mưa rào và dông vài nơi, các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ từ chiều tối và đêm mai có mưa rào và dông rải rác. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 4 – 5. Ở vịnh Bắc bộ và khu vực Bắc Biển Đông từ chiều mai có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Bắc bộ từ đêm mai trời trở lạnh.

Do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được tính đến 7 giờ sáng nay (29/10) ở khu vực ven biển Bắc bộ phổ biến trong khoảng từ 100 – 200 mm, một số nơi có lượng mưa trên 300mm như Quảng Hà (Quảng Ninh) 375mm, Cửa Cấm (Hải Phòng) 334mm, Văn Lý (Nam Định) 330 mm, thành phố Thái Bình 404mm ; ở các tỉnh bắc và trung Trung Bộ phổ biến 50 – 100mm. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; một số nơi có gió mạnh hơn như đảo Hòn Dấu gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Thái Bình gió cấp 11, giật cấp 14; Văn Lý gió cấp 10, giật cấp 14; thành phố Nam Định và Phủ Liễn gió giật cấp 11; đảo Bạch Long Vĩ và đảo Hòn Ngư gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.

* 17h35 ngày 28/10, trong lúc bão Sơn Tinh gây sóng gió cấp 9 tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ, giàn khoan GSF Key Hawaii có 35 người (21 người Việt Nam và 14 người nước ngoài) hoạt động gần đó bị đứt dây kéo với tàu lai. Sóng to, gió lớn khiến tàu lai không thể tiếp cận được với giàn khoan. Đêm 28/10, có 3 tàu lai đã áp sát bảo vệ giàn khoan. 4h30 ngày 29/10, giàn khoan trôi nổi cách đảo Hạ Mai 4 hải lý. Một giờ sau, Bộ Quốc phòng điều trực thăng cất cánh từ Gia Lâm xuống Hải Phòng cứu nạn. Sau đó, một trực thăng khác chở 4 chuyên gia Singapore từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) ra giàn khoan hỗ trợ khắc phục tình trạng khẩn cấp của giàn khoan. D o giàn có hiện tượng mắc cạn, gần như dừng trôi dạt nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề nghị Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn bố trí máy bay sơ tán 9 người còn lại trên giàn khoan. Trưa nay, trực thăng đã đưa toàn bộ số người trên giàn khoan về sân bay Cát Bi.

* Để khắc phục hậu quả của cơn bão số 8 đối với cây trồng vụ Đông, Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn tỉnh Hà Nam đang phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân dựng lại những diện tích ngô bị đổ khum, khi dễ chân kiềng phát triển thì triển khai chăm bón bình thường để cây nhanh chóng phục hồi. Đối với những cây trồng bị ngập úng khẩn trương rút nước trên mặt ruộng bằng cách tiêu nước theo hệ thống hoặc tiêu cục bộ trên cơ sở khoanh vùng diện tích bị ngập. Ngoài ra, Phòng trồng trọt thuộc sở và các huyện, thành phố hướng dẫn bà con nông dân trồng bổ sung những loại cây vụ đông ưa lạnh vẫn còn thời vụ ngay sau khi nước trên đồng ruộng được rút hết như: khoai tây, cà chua, rau đậu các loại...

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, do ảnh hưởng của bão số 8 từ ngày 28 - 29/10 gây mưa lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Lượng mưa trung bình trên 60 mm, gió giật cấp 6, cấp 7 đã làm cho gần 9.500 ha (chiếm 71 %) diện tích cây trồng vụ động bị thiệt hại. Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Lý Nhân với 3.786 ha, tiếp đến là huyện Duy Tiên 1.2 ha và Kim Bảng 1.650 ha.

Một trong những địa phương chịu nặng nề nhất về diện tích gieo trồng vụ Đông là xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân), đây là một trong những địa phương chuyên canh cây hàng hoá lớn nhất tỉnh Hà Nam. Theo ông Đinh Viết Cương, Chủ nhiệm HTXDVNN Nhân Nghĩa, toàn xã gieo trồng gần 2.000 mẫu cây hàng hoá các loại, nhiều nhất là cây dưa chuột bao tử có 207 mẫu, ngô 140 mẫu, đậu tương 60 mẫu, hoa mầu các loại hơn 200 mẫu...Trong 100% ngô bị đổ cây có những ruộng ngô sắp cho thu hoạch khiến người dân phải thu hoạch ngô non. Toàn bộ diện tích đậu tương bị nát lá, nát cây, ngập úng, người dân đang cố gắng cứu cây với hy vọng thu hoạch được một phần nào đó. Trong số 207 mẫu dưa xuất khẩu, chỉ khắc phục được 20%, số còn lại đều bị dập nát thân, lá, lật giàn, bật gốc... Hiện lực lượng xã viên huy động máy bơm nước chạy bằng xăng bơm tiêu nước, hướng dẫn người dân chăm bón cho cây khỏe hơn bằng cách giảm tối đa lượng đạm, tăng cường phân đa vi lượng để tưới gốc và bón qua lá. HTXDVNN Nhân Nghĩa cho rằng, sau cơn bão này, phục hồi được khoảng 50% diện tích gieo trồng đã là thành công.

* Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, bão số 8 đã khiến 1 công an viên huyện Yên Mô bị thương khi đang làm nhiệm vụ; trên 7.200 lều, chòi, nhà cấp 4 của người dân ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô và Hoa Lư bị sập, tốc mái; 149 cột điện bị đổ; gần 5.400/10.648 ha cây vụ đông bị hư hỏng; 300 ha ngao và hơn 5.000 cây ăn quả, cây lấy gỗ bị ảnh hưởng. Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn cây cổ thụ, cây xanh bị gãy chiếm diện tích lòng đường gây rất nhiều khó khăn cho các phương tiện giao thông. Một số phường, xã bị mất điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân…

Trước những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương giúp nhân dân sửa chữa, dựng lại những ngôi nhà bị sập, tốc mái; tăng cường kiểm tra đảm bảo công tác vệ sinh môi trường sau bão; khôi phục hệ thống điện, mạng lưới thông tin liên lạc; chỉ đạo ngành giáo dục khắc phục kịp thời thiệt hại về cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học; tiêu thoát nước đệm, tập trung chăm sóc, phục hồi diện tích cây vụ đông, hoa màu đã trồng. Công ty cổ phần Môi trường đô thị thành phố và điện lực Ninh Bình huy động toàn bộ lực lượng cùng với nhân dân khơi thông dòng chảy, dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn, cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra đấu nối lại đường dây bị đứt để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất cho người dân.


Người dân xử lý cây đổ tại xã Thắng Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định sau cơn bão số 8. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN



* Bão số 8 đi qua Nam Định kéo dài trong vòng 11h
, cấp gió 11 – 12, giật cấp 13 – 14 đã gây thiệt hại lớn về người và của. Theo số liệu của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- Tìm kiếm cựu nạn (PCLB – TKCN) tỉnh Nam Định, tính đến 10h sáng 29/10, đã có 1 người chết, 3 người bị thương, tổng thiệt hại vật chất ban đầu ước tính khoảng 872 tỷ đồng.

Trong cơn bão số 8, do bị đắm tàu tại khu vực Cồn Nhất, thị trấn Ngô Đồng (huyện Giao Thuỷ) đã khiến nạn nhân là ông Nguyễn Văn Toán, trú tại xóm 24 xã Hải Đường (huyện Hải Hậu) tử vong tại Trạm y tế xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong 3 người bị thương, có 1 người dân thuộc xã Xuân Tân (huyện Xuân Trường), 2 người thuộc xã Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Hưng).

Bão số 8 khiến 200m2 tại 3 vị trí đê kè của Nam Định bị sụt lún, ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng, làm hư hại hệ thống bơm tiêu chống úng 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nam Định bị đổ và ngập úng hơn 5.810ha lúa mùa và hơn 12.800ha cây vụ đông, ước thiệt hại khoảng 252 tỷ đồng; bị đổ và hư hại 600 chòi canh, 700ha diện tích nuôi ngao vạng và thuỷ sản mặn lợ với thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh bị đổ và nghiêng 500 cột điện cao thế, 5.000 cột điện hạ thế, hư hỏng nhiều tuyến đường dây với thiệt hại gần 100 tỷ đồng, khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị mất điện trong nhiều giờ liền. Đặc biệt, vào lúc 20h 40phút ngày 28/10 tháp Truyền hình Nam Định cao 180m cũng bị gãy đổ trong bão do gió quá lớn đã gây thiệt hại 35 tỷ đồng. Đồng thời 31cột thu phát sống tại Nam Định bị đổ, 19 tuyến cáp quang bị đứt, hàng ngàn cột treo cáp bị đổ gãy với thiệt hại 300 tỷ đồng. Bão số 8 cũng khiến hàng ngàn nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng; hàng chục ngàn cây bóng mát, cây ăn quả bị đổ gãy; biển quảng cáo, trang trí bị hư hỏng nặng, với thiệt hại 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Nam Định cho biết: Hiện UBND tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, đồng thời thống kê cụ thể hơn những thiệt hại về người và của mà cơn bão số 8 đã để lại. Trước hết, Nam Định đang khẩn trương sửa chữa, khôi phục lưới điện, tập trung bơm tiêu úng cho lúa, màu; thu hoạch diện tích lúa mùa còn khả năng thu hoạch, trồng lại các cây vụ đông còn thời vụ. Nam Định cũng đang tích cực sửa chữa, khôi phục các công trình thuỷ lợi, giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác; đặc biệt chú trọng khôi phục trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, nhà ở của dân để nhân dân sớm ổn định đời sống, nơi học, nơi chữa bệnh và nơi làm việc; tăng cường các biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch, bệnh cho người và gia súc, gia cầm; sửa chữa và khôi phục cột ăng-ten phát sóng để hệ thống đường dây thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt phục vụ phát sóng truyền hình.


Nhóm PV
Hậu bão số 8: Sáu người vẫn mất tích, thiệt hại kinh tế nặng nề
Hậu bão số 8: Sáu người vẫn mất tích, thiệt hại kinh tế nặng nề

Đến sáng nay (29/10), các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 8 đang khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn; kiểm đếm thiệt hại về người và tài sản. Thống kê sơ bộ cho thấy đã có 4 người chết, 6 người mất tích, 7 người bị thương. Thiệt hại kinh tế nặng nề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN