Việc xác định sự biến động của các khu vực có điều kiện sinh thái thích hợp cho các loài hoang dã dễ bị tổn thương trong tương lai là vô cùng quan trọng.
Dự đoán mức độ tổn thương
Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã nghiên cứu, đánh giá, dự đoán về sự thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra đối với các loài động, thực vật.
Kết quả của công trình nghiên cứu thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 cho thấy, trong số 51 loài thú được đánh giá, có 18 loài được xác định mức độ tổn thương cao, trong đó cao nhất là nhóm linh trưởng. Trong các loài voọc xám, voọc mông trắng, voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, đặc biệt loài voọc xám có mức độ tổn thương cao nhất do khả năng thích ứng thấp, các yếu tố khí hậu trong vùng phân bố biến động mạnh và mức độ nhạy cảm cao.
Các loài có vùng phân bố nhỏ thường có biên độ sinh thái hẹp nên mức độ nhạy cảm sẽ cao. Các loài có kích thước quần thể nhỏ nhưng vùng phân bố rộng, trải dài trên nhiều vĩ độ có mức độ tổn thương thấp do chúng có biên độ sinh thái về các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa cao như loài hổ, báo lửa.
Đánh giá 50 loài chim cho thấy, có 16 loài được xếp ở mức độ tổn thương cao, trong đó cao nhất là loài vạc hoa, quắm lớn, ô tác, quắm cánh xanh, gà lôi Tam Đảo mào trắng, niệc cổ hung, trĩ sao… đều phân bố ở các khu vực trong tương lai các yếu tố nhiệt độ và lượng mưa thay đổi lớn.
Cá cóc Tam Đảo hiện phân bố ở vùng núi phía Bắc Việt Nam và một phần nhỏ ở phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong tương lai, loài này sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh, giảm rõ rệt vào năm 2050 khi diện tích vùng bị thu hẹp gấp 12 lần diện tích vùng mở rộng thêm. Đến năm 2070, diện tích vùng mở rộng giảm đi gấp tới hơn 29 lần diện tích vùng mở rộng thêm, chiếm 70% tổng diện tích khu vực, trong khi phần mở rộng thêm chỉ chiếm 2%.
Với 288 loài thực vật được xem xét, có 93 loài được xếp ở mức độ tổn thương cao, trong đó cao nhất là loài ba gạc lá mỏng, cói túi ba mùn, trà hoa gilberb, huỳnh đàn lá đối do đều là các loài có mức độ nhạy cảm cao và phân bố ở các vùng sẽ có yếu tố nhiệt độ và lượng mưa thay đổi lớn.
Thông Đà Lạt là nguồn gen quý, hiếm, được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đánh giá thuộc nhóm sắp bị đe dọa. Hiện tại, cây này chủ yếu ở một số tỉnh Tây Nguyên và phía Đông Nam của Lào. Tuy nhiên, đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn khi diện tích vùng phân bố bị thu hẹp gấp gần 11 lần diện tích được mở rộng.
Theo các nhà khoa học, các hoạt động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, mới bắt đầu thực hiện các nghiên cứu và triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới đa dạng sinh học như thiết lập hành lang đa dạng sinh học.
Hiện nay, việc nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới đa dạng sinh học, thông tin để đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của các loài còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thông tin về địa điểm bắt gặp và đặc điểm sinh sản. Việc bảo quản hạt giống các loài mới chủ yếu được thực hiện với các loài cây trồng nông nghiệp.
Kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn tương đối mới đối với cán bộ các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Hạn chế nhận thức về vấn đề này có thể ảnh hưởng tới định hướng quy hoạch khu bảo tồn, đặc biệt là quy hoạch vùng đệm và hành lang đa dạng sinh học, xác định các loài nhạy cảm được ưu tiên bảo vệ.
Hệ thống khu bảo tồn đang khá manh mún, cách ly. Việc triển khai, thiết lập các hệ thống hành lang đa dạng sinh học còn nhiều khó khăn do vấn đề chính sách và tài chính.
Cấp quốc gia đã có một số chương trình hành động bảo tồn cho nhóm loài quan trọng như chương trình bảo tồn tê tê, rùa, voi, linh trưởng, hổ nhưng chưa có một chương trình mang tính chất quốc gia nào hướng tới việc bảo tồn cho các loài dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Xác định khu vực ưu tiên bảo tồn
Với nguồn lực dành cho bảo tồn còn hạn chế, việc xác định các khu vực ưu tiên bảo tồn là rất cần thiết để tập trung nguồn lực kỹ thuật, tài chính, công nghệ nhằm đạt hiệu quả cao.
Trong số 105 Khu Bảo tồn gồm Khu Dự trữ thiên nhiên, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh được nghiên cứu, 26 Khu Bảo tồn có mức độ ưu tiên rất cao. Trong số đó, cao nhất là nhóm Khu Bảo tồn Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), Vườn Quốc gia Vũ Quang, Khu Bảo tồn Ngọc Linh (Kon Tum), Vườn Quốc gia Bi Đúp-Núi Bà (Lâm Đồng), Pù Mát (Nghệ An) do là nơi cư trú của nhiều loài thú và chim dễ bị tổn thương.
Các Khu Bảo tồn có mức độ ưu tiên rất cao phần lớn nằm dọc theo dãy Trường Sơn, từ tỉnh Lâm Đồng trở ra tới Bắc Trung Bộ. Các Khu Bảo tồn vùng Đông Nam Bộ, Nam Bộ, Đông Bắc và Tây Bắc có mức độ ưu tiên thấp hơn các khu vực khác, ngoại trừ Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn (Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam cần xây dựng năng lực cho các nhà quản lý khu bảo tồn để phát triển các kế hoạch thích ứng hiệu quả. Ngoài ra, để có cơ sở triển khai các hoạt động bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu trước áp lực của biến đổi khí hậu, cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho các khu bảo tồn quan trọng và nhạy cảm, làm cơ sở để xác định các hoạt động ưu tiên, kêu gọi các nguồn tài trợ.
Mặc dù hoạt động xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng đã không còn được thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp mới được thông qua, việc xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng của các khu rừng đặc dụng vẫn đang tiếp tục được triển khai. Do vậy, cần coi bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu là một nội dung bắt buộc trong bản phương án.
Thực tế, nhiều loài sinh vật không thể tự dịch chuyển vùng phân bố tới những khu vực có điều kiện sinh thái phù hợp hơn dù có hệ thống hành lang đa dạng sinh học, do vậy, cần có chương trình bảo tồn chuyển chỗ chủ động được thực hiện bởi con người. Trong tương lai, để định hướng hoạt động bảo tồn, bao gồm cả hình thức bảo tồn chuyển chỗ và tại chỗ, việc mô phỏng sự biến đổi vùng phân bố của các loài quý, hiếm, nhạy cảm với biến đổi khí hậu là rất cần thiết. Kết quả của các hoạt động này giúp xác định các khu vực trọng điểm, ưu tiên bảo tồn loài một cách lâu dài.
Có nhiều loài quý, hiếm có quần thể trong điều kiện nuôi nhốt khá lớn như hươu sao, gà lôi lam mào trắng… do vậy, có thể xây dựng các chương trình tái thả các loài này trở lại môi trường tự nhiên nhằm khôi phục quần thể hoang dã của chúng. Một trong những chương trình khôi phục quần thể trong tự nhiên đầu tiên thành công là đối với loài cá sấu nước ngọt ở Vườn Quốc gia Cát Tiên với hàng trăm cá thể.
Với các loài cây quý, hiếm, cơ quan chức năng cần thu thập và bảo quản nguồn hạt giống và vật liệu sinh học của các loài thực vật có mức độ tổn thương cao, chọn tạo các giống có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, khôi phục các quần thể thực vật trong tự nhiên.
Một giải pháp nữa là cần xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn cấp quốc gia cho các loài nguy cấp, quý, hiếm, dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và trình Chính phủ phê duyệt nhằm định hướng và làm tiền đề để xây dựng và kêu gọi, tìm kiếm nguồn đầu tư cho các hoạt động cụ thể.
Các chương trình giám sát cần được thiết kế tỉ mỉ, cẩn thận để nâng cao trình độ chính xác, giảm thiểu chi phí và đồng bộ hóa được trong toàn quốc. Việc giám sát cần ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao độ chính xác với các phương pháp phân tử, âm sinh học, các thiết bị di động hoặc cảm biến được đặt ở ngoài tự nhiên.
Cộng đồng địa phương sống gần rừng, trong vùng đệm của các khu bảo tồn, vườn quốc gia cần được hỗ trợ khắc phục tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra. Năm 2020, mưa đá xảy ra trên một diện tích rộng lớn ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, gây nhiều thiệt hại cho hoa màu và nhà cửa. Thu nhập từ sản xuất bị suy giảm, mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng và mức độ khai thác tài nguyên rừng của cộng đồng dân cư này sẽ lại tăng cao.