Bảo tồn “cây trăm tuổi” - Kì 3: “Báu vật” nơi Kinh đô Văn Lang xưa

Hai cây táu ở Kinh đô Văn Lang xưa (nay là thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, Phú Thọ) đã chứng kiến cả quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là chứng nhân của lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của địa phương, hai cây táu này còn chứa đựng những giá trị vô giá về văn hóa, tâm linh.

Cây quý của cổ nhân


Chúng tôi tìm đến ngôi đền Thiên Cổ, ở thôn Hương Lan (tương truyền ngôi đền có từ thời Hùng Vương) để “mục sở thị” hai cây táu có tuổi thọ 2.100 năm tuổi đã được vinh danh là “Cây Di sản Việt Nam” vào ngày 28/5/2012.

Hai cây táu cổ ở đền Thiên Cổ (Việt Trì, Phú Thọ).


Hai cây táu quý này gắn liền với sự tích thiêng của đền Thiên Cổ. Theo ngọc phả để lại, đây là nơi thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và thục nương Nguyễn Thị Thục, người có công dạy hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương đời thứ 18. Khi hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang mất, nhân dân địa phương đã chôn cất và lập đền thờ ngay tại làng. Tương truyền rằng, hai cây táu quý được cổ nhân trồng từ thời đó.


Cũng theo ngọc phả thì hai cây táu trước cửa đền gồm: Cây táu hoa trắng (cây bạc) và cây táu hoa vàng (cây vàng). Cây táu bạc có chiều cao 25 m, chu vi gốc cây là 6,1 m, đường kính tán cây là 27 m. Tương truyền khoảng hơn 300 năm trước, trong một trận cuồng phong, cây táu hoa vàng đã bị gãy. Dân làng vô cùng thương tiếc và đi nhiều nơi tìm cây thay thế nhưng không có. Bỗng một thời gian sau, từ gốc cây cũ đã mọc lên những chồi biếc, và cứ thế cây táu hoa vàng vươn mình xum xuê, nở hoa vàng rực rỡ trên lưng cây mẹ. Cây táu hoa vàng ngày nay cao 21 m, chu vi gốc là 4,5 m, đường kính tán cây là 30 m.


Dưới bóng cổ thụ, ông Nguyễn Hữu Yết, nguyên Trưởng ban Quản lý cụm di tích thôn Hương Lan kể lại với chúng tôi về những bí ẩn xung quanh hai cây táu. Ông nhớ lại: “Dân làng không biết cây táu được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng bóng cây rất mát, vào tháng 4 và tháng 5 âm lịch hàng năm, hai cây nở hoa vàng và hoa trắng rất đẹp. Rễ táu dài, uốn lượn như hình con rồng nổi lên mặt đường. Vua quan ngày xưa đi qua đền Thiên Cổ đều phải xuống ngựa, còn nhân dân thì ngả mũ trước đền. Đặc biệt, khi đi qua nơi này, tuyệt đối không ai được phép nói bậy. Hai cây táu như hai người bảo vệ cho ngôi đền ở cả hai phía tả và hữu”.


Hơn 20 năm hương khói tại đền Thiên Cổ, ông Yết vẫn nhớ mãi câu chuyện được các cụ cao niên trong xã truyền lại rằng: Ngày xưa, dân thôn Hương Lan có nghề trồng mía và kéo mật. Đêm đến, nhà nhà phải trông coi mía để tránh mất cắp. Đêm đó, có ba người đàn ông ở lại trông mía ở bãi phía trước đền Thiên Cổ. Nửa đêm, không thấy anh nằm giữa đâu, hai anh nằm hai bên nhìn thấy một con hổ đang kéo lê người này. Sau khi nghe thấy tiếng tri hô, con hổ bỏ chạy, nhưng khi đó, người đàn ông này đã chết. “Người xưa kể lại, người thanh niên đó mất mạng là do bị phạt bởi thường xuyên lấy cắp đồ vật trong đền, hái hoa của 2 cây táu quý và thiêng. Từ đó trở đi, dân làng Hương Lan không ai dám động đến cây quý, mỗi lần muốn chăm sóc cây, chúng tôi đều xin phép trước khi thực hiện”, ông Yết kể.


“Năm 1978, do thiếu chất đốt, Ban lãnh đạo hợp tác xã Động Lực có ý định chặt hai cây táu làm củi nung gạch. Biết tin, các cụ già thôn Hương Lan bảo nhau đồng lòng ra đền phản đối. Cuối cùng, chính quyền xã phải nghe theo yêu cầu của dân”. Nói đến đây, ông Yết trầm ngâm: “Hơn 2.000 năm nay, hai sinh vật đặc biệt này vẫn sừng sững trường tồn giữa đất và đời, đâm chồi nảy lộc, tinh sắc khoe hoa. Hai cây táu là báu vật, là nhân chứng sống và chính là di sản mà tổ tiên để lại cho thế hệ mai sau”.

Hai cây táu “kêu cứu”


Điều mà ông Nguyễn Hữu Yết cũng như chính quyền và nhân dân xã Trưng Vương trăn trở nhất hiện nay là: Hai cây táu đều “không khỏe”, đặc biệt cây táu bạc do quá già, lại có nhiều cây tầm gửi và dây tơ hồng ký sinh, một số cành có biểu hiện bị khô.


Ông Nguyễn Văn Loan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trưng Vương cho biết: Sau khi hai cây táu được vinh danh là cây di sản, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị to lớn của hai cây táu trên địa bàn xã. Trước hiện tượng hai cây táu đang có dấu hiệu mắc bệnh, chính quyền xã đã thuê một số đơn vị cùng nhân dân gỡ bỏ tầm gửi và dây tơ hồng ký sinh. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên mỗi năm, xã chỉ thực hiện được 1 - 2 lần. Bên cạnh đó, chính quyền xã và Ban quản lý cụm di tích thôn Hương Lan cũng phun thuốc và bón phân hàng năm cho cây. Tuy nhiên, do tuổi cây quá cao và số lượng cây ký sinh phát triển quá nhanh nên các biện pháp này xem ra vẫn chưa hiệu quả.


Ông Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết: “Theo khảo sát ban đầu của chúng tôi thì hai cây táu đều có vấn đề về "sức khỏe". Do kinh phí có hạn nên việc bảo vệ các cây này cần sự góp sức của cộng đồng. Trong thời gian tới, Hội sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học tại tỉnh Phú Thọ, từ đó sẽ có một phác đồ hoặc một quy trình chăm sóc khoa học cho các cây di sản tại tỉnh. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ được những cây cổ thụ quý”.


Bài và ảnh: Vũ Bắc

Kì 4: Thế viên mãn của 9 “cụ” muỗm đền Voi Phục không còn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN