Việt Nam đã ký gia nhập Công ước Ramsar vào năm 1989, là thành viên thứ 50, đồng thời là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước này. Việt Nam đã đề xuất một số vùng đất ngập nước có giá trị theo tiêu chuẩn của khu Ramsar. Trong đó khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy đã được công nhận là khu Ramsar đầu tiên ở Đông Nam Á và là khu thứ 409 trên thế giới. Đến nay Việt Nam đã chỉ định và được công nhận 8 khu Ramsar là: Xuân Thủy, Bàu Sấu, Ba Bể, Tràm Chim, Cà Mau, Côn Đảo, Láng Sen và U Minh Thượng. Tuy vậy do mức độ luật, chính sách và các văn bản pháp lý liên quan còn yếu, thiếu các phương án lồng ghép cụ thể, nên các vùng đất ngập nước của Việt Nam vẫn bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn và lâu dài đến chức năng tự nhiên và giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái thuộc các vùng đất ngập nước.
Thực trạng công tác quản lý
Trong phạm vi quốc gia từ năm 1976 đến nay, Việt Nam có hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Nhưng trong số đó chỉ có khoảng hơn 10 văn bản có những quy định trực tiếp về đa đất ngập nước. Đáng chú ý là Nghị định 109/2003 của Chính phủ về bảo tồn và quản lý đất ngập nước; Quyết định 04/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Kế hoạch hành động về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2004-2010. Hiện nay đang dự thảo “Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học của Việt nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.
Năm 2008, Luật Đa dạng sinh học được ban hành và quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đa dạng sinh học trên phạm vi cả nước. Theo đó, Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường trực tiếp tham mưu và có trách nhiệm quản lý và phát triển các hệ sinh thái trên các vùng đất ngập nước tự nhiên. Cụ thể là quản lý khu bảo tồn cấp quốc gia đất ngập nước; chỉ đạo, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề cử công nhận và quản lý các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar.
Theo đánh giá của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, mặc dù chưa có luật riêng để bảo tồn và quản lý đất ngập nước, những các luật, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật có liên quan cũng đã tạo được những kết quả quan trọng. Trước hết là nhận thức và kỹ năng quản lý đất ngập nước của các bên có liên quan được cải thiện đáng kể. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến chung cho toàn xã hội,nhiều quyết định đầu tư phát triển đã cân nhắc đến lợi ích lâu dài của việc bảo tồn các vùng đất ngập nước.
Căn cứ vào các mục tiêu của Công ước Ramsar, với tư cách là quốc gia thành viên, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích và tăng cường công tác bảo tồn các vùng đất ngập nước, thông qua việc thành lập các khu dự trữ thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước, xây dựng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt đối với khu Ramsar và các khu dự trữ đất ngập nước quy mô nhỏ và đặc biệt nhạy cảm.
Tại 8 khu Ramsar hiện đều có Ban quản lý trực tiếp quản lý, kiểm soát các hoạt động tác động đến các hệ sinh thái và cuộc sống của các loài sinh vật bản địa hay di trú theo mùa vụ. Chính phủ Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sinh kế mới, sinh kế thay thế cho người dân địa phương, di dân, xóa đói nghèo…nhằm giảm áp lực và lựa chọn các phương pháp khai thác, sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước.
Theo đó, Việt Nam đã hình thành một số mô hình bảo tồn và quản lý đất ngập nước dựa vào cộng đồng. Tiêu biểu như mô hình quản lý rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh); bảo vệ rừng dừa nước tại Cẩm Thanh (Quảng Nam); đồng quản lý và chia sẻ nguồn gen ở các Vườn quốc gia và Khu Ramsar Xuân Thủy (Nam Định); Tràm Chim (Đồng Tháp). Nhất là đồng quản lý Vườn quốc gia U Minh Hạ thông qua việc cho phép cộng đồng vào trồng cây ăn quả xung quanh Vườn quốc gia, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ các hệ sinh thái trong Vườn, góp phần giữ gìn các giá trị đa dạng sinh học tại đây.
Nhưng trên thực tế Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn không hoàn toàn kiểm soát được các hoạt động đang diễn ra trên các vùng đất ngập nước ở cấp Trung ương, trong bối cảnh quản lý theo ngành đối với các vùng đất ngập nước. Chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao trách nhiệm về đất ngập nước trong phạm vi canh tác lúa nước, sản xuất muối, mặt nước nuôi trồng thủy sản nội địa và ven biển, các khu bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng trên các vùng đất ngập nước và các công trình thủy lợi, các hồ chứa. Còn Bộ Giao thông vận tải quản lý các hoạt động giao thông thủy trên các dòng sông. Bộ Quốc phòng tham gia quản lý các hoạt động an ninh trên các vùng đất ngập nước ven biển là biên giới biển…
Do đó, việc tuân thủ luật, chính sách và các văn bản pháp lý liên quan hạn chế, thiếu các phương án lồng ghép cụ thể và đạt hiệu quả cao. Nên các vùng đất ngập nước vẫn bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng, làm ảnh hướng lớn và lâu dài đến chức năng tự nhiên và các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái các vùng đất ngập nước. Không ít vùng đất ngập nước đã và đang bị suy thoái, ô nhiễm, ít có khả năng phục hồi và hoặc phục hồi chậm.
Khả năng cụ thể hóa hay lồng ghép các hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý và bảo tồn đất ngập nước vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội còn rất hạn chế. Trong quá trình thực thi, các bộ, ngành liên quan chưa phát huy đúng chức năng, vai trò mà Chính phủ đã giao, thậm chí còn “lẫn” giữa chức năng quản lý thống nhất về mặt nhà nước với chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với đất ngập nước.
Sử dụng và phát triển bền vững
Hội nghị các Bên ký kết Ramsar lần thứ ba (COP3-1987) định nghĩa sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước là “Để nó mang lại lợi ích tối đa một cách liên tục cho thế hệ hiện tại, đồng thời phải duy trì tiềm năng đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của thế hệ tương lai”. Vì vậy việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước phải tuân thủ theo nguyên tác bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực đất ngập nước được Nhà nước khoanh vùng cho mục đích bảo tồn; kết hợp sử dụng, khai thác với bảo tồn, ưu tiên bảo tồn đối với các vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quốc tế, quốc gia; tăng cường sự tham gia bảo tồn các vùng đất ngập nước của cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn và khu vực lân cận.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một trong những nội dung quan trọng của phát triển bền vững đất ngập nước là đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương ở trong vùng đất ngập nước. Các sinh kế bền vững bao gồm nông nghiệp sinh thái, thủy sản sinh thái, du lịch sinh thái, lâm nghiệp cộng đồng và các hoạt động khác. Trong đó nông nghiệp sinh thái phải là nền nông nghiệp có sự kết hợp hài hòa các mặt tích cực, hợp lý của nền nông nghiệp công nghiệp hóa và nông nghiệp sinh học, không phá hoại môi trường, đảm bảo năng suất ổn định, đảm bảo khả năng thực thi không phụ thuộc vào bên ngoài. Mặt khác hạn chế sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật trong canh tác làm thoái hóa, biến chất, bạc màu đất ngập nước. Đặc biệt là cửa sông, biển. Khuyến khích sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh, các phương thức canh tác không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước.
Công ước Ramsar nêu rõ: “Sử dụng khôn khéo đất ngập nước là việc duy trì đặc tính sinh thái của chúng, đạt được thông qua việc thực hiện cách tiếp cận hệ sinh thái trong bối cảnh phát triển bền vững”. Theo đó, sử dụng khôn khéo đất ngập nước là việc sử dụng các vùng đất ngập nước vì lợi ích của con người, sao cho tương thích với với việc duy trì các thuộc tính thiên nhiên và chức năng của hệ sinh thái đất ngập nước, cũng như các mối tương tác giữa chúng với nhau và tuân theo nguyên tắc của Công ước Ramsar.
Tại Việt Nam, việc sử dụng khôn khéo đất ngập nước bước đầu đã triển khai tại một số vùng đất ngập nước, thông qua lồng ghép các hoạt động bảo tồn đất ngập nước vào quá trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quản lý và kiểm soát việc sử dụng đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung, trong đó có các khu Ramsar. Những hoạt động phục hồi, tái tạo hệ sinh thái, các loài bị tổn thương do thiên tai và hoạt động của con người đã được tiến hành tại khu Ramsar Xuân Thủy, Chàm Chim, Bầu Sấu, góp phần phục hồi các loài sinh vật, cảnh quan và nét đẹp tự nhiên vùng đất ngập nước nơi đây.
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác bảo tồn và quản lý đất ngập nước, đó là phải xây dựng, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển các vùng đất ngập nước gắn với quản lý có hiệu quả và bền vững tài nguyên và môi trường của vùng đất này. Cùng với đó là chú trọng phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo bước đột phá trong quản lý, sử dụng đất ngập nước. Bảo đảm khai thác các tài nguyên đất ngập nước đáp ứng nhu cầu về năng lượng, thực phẩm và không gian sinh tồn. Đi đôi với việc áp dụng quản lý tổng hợp đất ngập nước có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương hướng tới khai thác đất ngập nước một cách khôn khéo và bền vững.