Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc
Xác định người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là nguyên khí quốc gia và là lực lượng quan trọng của đất nước, từ nhiều năm nay, người cao tuổi luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án cụ thể liên quan đến người cao tuổi được ban hành trong những năm qua là là minh chứng rõ nét, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Không chỉ ở cấp Trung ương, các địa phương trên cả nước đều coi nhiệm vụ chăm sóc người cao tuổi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…
Trong những buổi làm việc, gặp mặt với Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh, người cao tuổi là tài sản quý báu và là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ về sau. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc tinh thần cũng như phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi. Đó vừa là trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với những bậc cha ông đã có những đóng góp lớn lao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cũng là quyền lợi của bản thân một khi bước vào giai đoạn “lão” trong quy luật của đời người.
Tuy nhiên, quá trình già hóa dân số ở nhiều quốc gia và Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, dẫn đến nhiều thách thức về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Theo Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng, trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm. “Nếu như năm 2009, cứ khoảng 3 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2019 cứ khoảng 2 trẻ em dưới 15 tuổi đã có 1 người 60 tuổi trở lên.
Chủ tịch Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, đúng như lời Bác Hồ đã nói: "Tuổi cao, ý chí càng cao". Người cao tuổi nước ta thực sự là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam.
Tuổi thọ khỏe mạnh là mục tiêu sống quan trọng
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ, trong năm 2023, các cấp Hội người cao tuổi trên cả nước đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động chăm sóc người cao tuổi, đạt được nhiều kết quả tích cực: Tổ chức được trên 50 nghìn hoạt động, sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với hơn 3,7 triệu lượt người tham dự. Đặc biệt, Liên hoan toàn quốc được tổ chức trong tháng 9, tháng 10 với sự tham gia của 1.285 diễn viên, đạo diễn của 54 đoàn nghệ thuật quần chúng từ 54/63 tỉnh, thành phố, tạo sức lan tỏa là điểm nhấn trong các hoạt động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam.
Hội người cao tuổi các địa phương tích cực, chủ động phối với với ngành Y tế, cùng các bệnh viện tổ chức khám, tư vấn sức khỏe cho hơn 2,5 triệu người cao tuổi. Trong đó, thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội người cao tuổi Việt Nam với Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc, Bệnh viện Mắt quốc tế DND, Công ty Cổ phần Traphaco… đã tổ chức khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thành phố Hải Phòng… Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2023, các địa phương trên cả nước đã vận động được hơn 300 tỷ đồng, tổ chức thăm và tặng quà cho gần 1 triệu người cao tuổi khó khăn, gia đình chính sách.
Tuy nhiên, để hướng đến tiêu chí Tuổi thọ khỏe mạnh mới là mục tiêu sống quan trọng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống an sinh dành cho người cao tuổi.
Nhằm giải quyết bền vững vấn đề này, mới đây Bộ Y tế và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, bảo đảm người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Hoạt động này cho thấy, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với cuộc sống của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng cao tại Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, tuổi thọ tăng và xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp, dự báo Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 20. Như vậy, Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm để bước vào giai đoạn dân số già.
Già hoá dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… , đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Tại nước ta, chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 đã đề ra nhiều hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; bố trí giường bệnh điều trị nội trú, tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh; khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa Lão khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực; kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là người cao tuổi.
Cùng với đó là phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình nhân đạo “Mắt sáng cho người cao tuổi”; phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi; tư vấn, hướng dẫn phục hồi chức năng cho người cao tuổi sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện, chăm sóc tại gia đình; xây dựng phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là mô hình cơ sở tại cộng đồng.
Trong những buổi làm việc với Trung ương Hội Người cao tuổi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định vai trò to lớn của người cao tuổi đối với sự phát triển của đất nước cũng như hạnh phúc trong gia đình. Thủ tướng cho biết, tại Việt Nam, quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục bảo vệ, chăm sóc ngày càng tốt hơn, đồng thời phát huy vị trí, vai trò, trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh của người cao tuổi trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số nhanh hiện nay; nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và xây dựng tổ chức hội vững mạnh; coi người cao tuổi là nguồn lực cho phát triển; tạo điều kiện để người cao tuổi thực sự là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội…