Sau một thời gian dài truy tìm, lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai đã phát hiện và tiêu diệt con cá sấu nặng gần 20 kg, dài 1,2 m do người dân ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu nuôi nhưng bị sổng chuồng rồi lao ra hồ Trị An thuộc huyện Định Quán, Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Một khu chăn nuôi cá sấu. Ảnh: Trần Tuấn-TTXVN |
Người dân sống ở lòng hồ tạm thời đã hết lo, song hiện nay, tại các xã xung quanh khu vực hồ Trị An có hàng trăm trang trại nuôi cá sấu đang tồn tại. Điều đáng nói là các hộ dân nuôi loài động vật ăn thịt hung dữ này lại xem nhẹ vấn đề đảm bảo an toàn, nguy cơ cá sấu sổng chuồng vì thế vẫn hiện hữu.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai cho biết: "Hồ thủy điện Trị An là hồ lớn nhất miền Nam với diện tích 323 km2, thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng không cho người dân nuôi động vật hoang dã trong khu vực khu bảo tồn, nếu cá sấu sổng chuồng sẽ gây nguy hiểm cho người dân và khách du lịch. Vấn đề nuôi cá sấu dù không thể cấm nhưng để đảm bảo an toàn thiết nghĩ, thời gian tới cơ qua chức năng cần có những quy định rõ ràng về hệ thống chuồng trại, quy trình nuôi an toàn".
Phong trào nuôi cá sấu xiêm diễn ra rầm rộ nhất ở huyện Định Quán. Thống kê của Chi Cục Kiểm lâm Đồng Nai cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 trang trại nuôi cá sấu, với trên 100.000 cá thể. Trong đó, riêng huyện Định Quán có khoảng 150 trang trại, với trên 80.000 cá sấu đang được nuôi nhốt.
Về xã Phú Ngọc (Định Quán) đâu đâu chúng tôi cũng gặp những tấm biển có nội dung mua bán cá sấu. Ở đây, nhà ít nuôi trên 50 con cá sấu, nhà nhiều nuôi hơn 1.000 con. Trại cá sấu nơi đây đa phần lợp mái lá, mái tôn, tường bao được xây bằng gạch với độ cao gần 1m, dày khoảng 5 cm, có gia đình cẩn thận hơn nên phía trên tường được rào thêm một phần lưới thép.
Trại cá sấu của ông Nguyễn Mạnh Nam (ấp 1, xã Phú Ngọc) được chia làm 2 khu, mỗi khu có diện tích hơn 100 m2. Khi chúng tôi tiếp cận khu vực ông Nam nuôi loại cá sấu lớn, vừa nghe tiếng động, hàng chục con cá với chiều dài trên 1,5 m đang nằm im lìm đồng loạt rầm rầm lao xuống nước.
Ông Nam trấn an: “Có tiếng động lớn là chúng quăng mình xuống nước, chứ chẳng bao giờ cá sấu lao được qua tường. Tôi nuôi cá sấu mấy năm nay, chúng chưa bao giờ cắn người, cũng chưa có con nào lọt ra ngoài”.
Nếu so về số lượng thì ấp 4 (xã Phú Ngọc) là nơi có đàn cá sấu nuôi lớn nhất ở Đồng Nai (trên 60.000 cá thể). Dân ấp 4 nằm sát bên sông La Ngà - đầu nguồn của hồ Trị An, song các trại cá sấu của người dân vẫn chỉ làm bằng tường gạch mỏng.
Một đàn cá sấu nuôi. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN |
Nhà bà Trần Thị Hạnh (cách con rạch nhỏ dẫn ra sông La Ngà hơn 5 m), hiện đang nuôi hơn 300 con cá sấu với đủ loại lớn nhỏ trong một khu đất rộng trên 500 m2, dù trên lớp tường bao bà Hạnh có giăng lưới thép nhưng bà vẫn không dám chắc cá sấu sẽ không thoát được ra ngoài.
Bà Hạnh cho biết, cá sấu có giá hơn 200.000 đồng/kg, mỗi con cá sấu vì thế thành tài sản lớn của người nuôi, nếu cá có sổng ra ngoài thì dân sẽ quyết tâm vây bắt. Hàng ngày bà vẫn kiểm soát chặt số lượng cá, quyết tâm không để cá sấu sổng chuồng.
Theo người dân, trước đây, cá sấu chỉ có giá khoảng 130.000 đồng/kg, năm 2014, giá cá tăng đột biến, đây là nguyên nhân chính khiến số lượng người nuôi tăng lên. Ở các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), nơi có các hồ đập thông ra hồ Trị An và sông Đồng Nai, năm 2013 trở về trước chỉ có vài hộ nuôi cá sấu thì nay hàng chục trại cá sấu đã xuất hiện. Nếu cá sấu không may sổng chuồng thì chắc chắn sẽ ra các sông hồ, đe dọa cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em.
Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, sở dĩ các hộ dân sống gần hồ Trị An thường nuôi cá sấu là do điều kiện tự nhiên ở đây ẩm ướt, phù hợp cho cá sấu phát triển. Trước việc cá sấu có thể sổng chuồng ra hồ, sông, UBND huyện đã yêu cầu cơ quan ban ngành và các địa phương đề ra biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân sống ở khu vực lòng hồ, đặc biệt là trẻ em.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho rằng, dù không còn trong tự nhiên song hiện cá sấu vẫn nằm trong danh mục động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng và theo công ước Cites thì cá sấu là động vật cấm buôn bán quốc tế. Do đó, thời gian qua, ngành kiểm lâm chỉ cấp phép, giám sát nuôi, vận chuyển trao đổi cá sấu; tiến hành kiểm tra chuồng trại, khuyến cáo người dân phải thực hiện vệ sinh môi trường, đảm bảo các biện pháp an toàn.
Công Phong