Bất cập dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp

Trong số 6 tòa nhà cao tầng thuộc khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp chỉ có 3 tòa A1, A5 và A6 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ba tòa nhà còn lại mới hoàn tất phần thô và đang nằm phơi mưa nắng.

Bất cập trong công tác dự báo nhu cầu nhà ở, quy hoạch thiếu kết nối giao thông công cộng giữa khu nhà ở với các điểm trường cao đẳng, đại học đã đẩy nhiều tòa nhà tại dự án khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp vào tình trạng bỏ hoang. Trong khi nhu cầu chính đáng thiết thực của hàng chục nghìn công nhân, người thu nhập thấp có một căn hộ để an cư lập nghiệp vẫn chưa có lời đáp. Đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan tính đến phương án chuyển đổi mục đích sử dụng các tòa nhà bỏ hoang để đáp ứng nhu cầu nhà ở bức thiết của người dân.

Dự báo, quy hoạch sai dẫn đến bỏ hoang

Dự án khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp do Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng. Dự án gồm 6 tòa nhà cao 19 tầng, với hơn 1.400 phòng, cung cấp nhu cầu nhà ở cho khoảng 10.800 sinh viên nhưng nhiều năm nay sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng lại không sử dụng hết công năng. Nhiều diện tích bỏ không, thậm chí bỏ hoang.

Khu nhà ở học sinh, sinh viên khu Pháp Vân – Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

So với những ký túc xá cũ của nhiều trường đại học lớn quanh khu vực Pháp Vân như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách Khoa… thì cơ sở vật chất tại khu nhà ở sinh viên này vượt trội về nhiều mặt. Có thang máy di chuyển giữa các tầng, hành lang đi lại rộng, có không gian sinh hoạt, học tập chung, có phòng tắm nóng lạnh nhưng hàng chục nghìn sinh viên đang học tập quanh khu vực Pháp Vân lại không lựa chọn khu nhà ở sinh viên này. Nguyên nhân được chính các sinh viên đưa ra là khu nhà ở này nằm cách xa các trường đại học, thiếu xe buýt đi lại, thiếu thư viện học tập, không tiện ích cho sinh hoạt, học tập hàng ngày của sinh viên.

Sinh viên Nguyễn Bảo Quyên sống tại tầng 5 nhà A1, đang học năm cuối Khoa Dệt may, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, một số bạn không có phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp thì kiếm một khu nhà trọ gần trường để tiện cho việc đi học, lên giảng đường, lên thư viện của trường. Hơn nữa một số bạn quen sử dụng xe buýt thường ngại đến ở vì chỉ có 2 tuyến xe buýt 21B và 60A chạy qua khu nhà ở sinh viên nên rất bất tiện khi đi lại. Mặt khác, ban quản lý tòa nhà quy định sinh viên không được nấu ăn tại phòng, trong khi căng tin ở tầng 1 không có, sinh viên phải đi ra ngoài để ăn uống nên càng bất tiện.

Thực tế khi khảo sát nhà A1 của khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp trong những ngày này thì hầu hết các phòng đều bỏ không, bàn ghế, giường tủ được trang bị phục vụ cho nhu cầu ở và học tập của các học sinh, sinh viên nằm chỏng chơ, bám bụi. Mỗi tầng của nhà A1 thường bố trí từ 20 - 30 phòng ở có diện tích từ 45 - 56,9m2, nhưng đến nay chỉ từ tầng 2 đến tầng 5 của tòa nhà có sinh viên ở, từ tầng 6 đến tầng 9 lác đác một vài phòng có sinh viên ở, từ tầng 10 đến tầng 19 của tòa nhà dường như đang để hoang sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng.

Cần chuyển đổi mục đích sử dụng

Theo các chuyên gia, bản chất của chính sách phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên là đúng nhưng những bất cập trong triển khai xây dựng đã khiến các dự án nhà ở sinh viên không thể phát huy hiệu quả. Hơn nữa, việc phát triển nhà ở cho sinh viên cần đặt trong chiến lược dài hạn. Bởi mỗi sinh viên, học sinh chỉ học tập trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp từ 2 - 5 năm, sau đó họ ra trường và có rất nhiều người trong số đó sẽ trở thành công nhân, kỹ sư, sinh sống và làm việc tại các đô thị. Do đó nếu đặt trong tương quan phát triển, cơ cấu dân số thì số lượng học sinh, sinh viên trong 15 - 20 năm tới sẽ giảm dần khi Việt Nam bước qua thời kỳ dân số vàng. Như vậy chỉ có nhu cầu nhà ở của công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị là sẽ tăng lên trong thời gian tới, nên việc phát triển nhu cầu nhà ở của đối tượng này sẽ lớn hơn.

Đến nay, trong số 6 tòa nhà cao tầng (từ A1 đến A6) trong khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp chỉ có 3 tòa A1, A5 và A6 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tỷ lệ lấp đầy của 3 tòa nhà này chỉ đạt khoảng 15% tổng số phòng được xây dựng. Số phòng ở còn lại dù đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị nhưng vẫn đang để hoang trong nhiều năm qua. Ba tòa nhà cao tầng còn lại là A2, A3, A4 mới hoàn tất phần thô và đang nằm phơi mưa nắng.


Trước thực trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị thành phố Hà Nội cho phép chuyển đổi tòa nhà nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang loại hình nhà xã hội để bán cho người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Nếu áp dụng phương án này sẽ thu hồi được khoảng 110 tỷ đồng để thanh toán cho đơn vị thi công và đầu tư cho các hạng mục còn lại.

Theo Sở Xây dựng thì khi chuyển đổi hạng mục nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang căn hộ để bán sẽ phải điều chỉnh công năng công trình cho phù hợp mục đích sử dụng.

Những động thái trên cho thấy, việc sớm chuyển đổi mục địch sử dụng, cũng như công năng của các dự án nhà ở sinh viên kém hiệu quả như dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp là cần thiết. Bởi nếu không được đưa vào sử dụng thì các khu nhà ở này sẽ ngày càng xuống cấp và sẽ phải bỏ thêm tiền để cải tạo nếu muốn tái sử dụng lại.

Thực tế cũng cho thấy, còn hàng nghìn công nhân, người lao động thu nhập thấp đang sống và làm việc quanh khu vực này cần một căn hộ để an cư lập nghiệp. Vì vậy, nếu phần diện tích đang bỏ không tại dự án này được chuyển đổi mục đích sử dụng sang căn hộ cho người thu nhập thấp sẽ đáp ứng được nhu cầu nhà ở của nhân dân và hơn cả là tránh được tính trạng nguồn vốn vốn nhà nước bị lãng phí. Công trình xây xong rồi bỏ đó.

Nguyễn Thắng - Đặng Tuân (TTXVN)
Trục lợi nhà ở xã hội, cần nhìn lại chính sách nhà ở
Trục lợi nhà ở xã hội, cần nhìn lại chính sách nhà ở

Do nhu cầu mua nhà quá cao nên nhiều đối tượng đã lợi dụng nhà ở xã hội để trục lợi, đẩy rủi ro, thiệt hại cho chính những người thu nhập thấp đang cần nhà ở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN