Người dân tham gia tích cực các hoạt động trong vai trò chủ thể của lễ hội. Lễ hội đã thu hút khoảng 20.000 lượt du khách trong nước và quốc tế tham gia.
12 hoạt động chính của Lễ hội đều có ý tưởng độc đáo, tạo được dấu ấn đặc sắc, trong đó có đêm khai mạc rực rỡ sắc màu; Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê thu hút sự tham gia của 734 gian hàng với 184 doanh nghiệp, trong đó có 58 gian hàng của 12 doanh nghiệp nước ngoài.
Trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội có Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên với 25 dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước được trao Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký Biên bản ghi nhớ đầu tư vào Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 87.995 tỷ đồng.
Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với 6 hoạt động chính, đã thu hút gần 600 nghệ nhân, nghệ sỹ trong và ngoài nước tham gia, mang lại nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao về văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chương trình nghệ thuật bế mạc lễ hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Các hội thảo chuyên đề về cà phê và phát triển nông nghiệp Tây Nguyên đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Hội thi "Nhà nông đua tài", chương trình "Đêm hội vào mùa" đã phản ánh được tinh thần hăng say lao động, sự thông minh và sáng tạo của người nông dân.
Lễ hội đường phố, Lễ hội đua Voi và thuyền độc mộc mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đã tạo không khí sôi động, hấp dẫn cho người dân và du khách. Chương trình thưởng thức cà phê miễn phí cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách cùng thưởng thức.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - phát huy bản sắc - liên kết phát triển” diễn ra từ ngày 8- 13/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện, thị xã của tỉnh Đắk Lắk đã thành công tốt đẹp.
Lễ hội không chỉ tiếp tục quảng bá, nâng cao giá trị của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, mà còn góp phần định vị thương hiệu địa phương của tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh hình ảnh cà phê, Đắk Lắk quyết tâm phát huy thế mạnh du lịch gắn với bản sắc độc đáo của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, mong muốn hợp tác đầu tư với các đối tác trong, ngoài nước để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.