Nghệ An là một trong những địa phương phát triển khá mạnh phong trào xuất khẩu lao động và đã có những thành công nhất định. Thực tế cho thấy, đối với một địa phương như tỉnh Nghệ An thì xuất khẩu lao động có ý nghĩa quan trọng, không những góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động mà còn giảm áp lực gánh nặng lao động không có việc làm tại các vùng nông thôn.
Anh Nguyễn Minh Hùng, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - người đang có mong muốn được đi xuất khẩu lao động cho rằng: Xuất khẩu lao động có những mặt được và thực tế đã có những gia đình xuất khẩu lao động thực sự là "cứu cánh" cho vấn đề kinh tế, nhiều làng quê nghèo trong tỉnh đã đổi thay từ xuất khẩu lao động, nhưng xung quanh vấn đề xuất khẩu lao động cũng đã từng xảy ra những câu chuyện buồn, với những hệ lụy không hay khác. Tại một số vùng nông thôn trong tỉnh, có gia đình trước khi chưa có người đi xuất khẩu lao động tuy nghèo nhưng hòa thuận. Khi vợ (hoặc chồng) đi xuất khẩu lao động, bi kịch đã xảy ra...
Tại các vùng nông thôn, người trong độ tuổi lao động không có việc làm rất nhiều. Để kiếm thu nhập, hàng ngày họ đang làm những nghề lao động phổ thông, cực nhọc nhưng thu nhập không ổn định. Được đi xuất khẩu lao động là mong ước của nhiều người, tuy nhiên họ lại đang gặp khó khăn do phần lớn những người này thiếu vốn, thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu lao động.
Mặt khác, hiện nay rất nhiều lao động ở nông thôn sau mấy năm đi xuất khẩu lao động trở về địa phương, có chút vốn nhưng có nhiều người vẫn bế tắc trong tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Một thời gian sau số tiền tích cóp được từ đi xuất khẩu lao động tiêu hết, họ lại rơi vào vòng luẩn quẩn, không có lối thoát, không tìm được giải pháp mang tính ổn định dài hơi cho cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, có một thực tế là số lao động đi xuất khẩu trở về địa phương gần như chưa được hỗ trợ, định hướng, tư vấn nghề nghiệp. Người lao động phải tự xoay xở để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Theo anh Hùng, Nhà nước cần có khảo sát mang tính tổng thể, cả ở hai phía là những người mong muốn được đi xuất khẩu lao động và những người đã đi xuất khẩu lao động trở về địa phương để đề ra những chính sách đúng, phù hợp trên phương diện xã hội và phương diện kinh tế.
Còn chị Nguyễn Hoài Phương, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An - người từng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) đã về nước 3 năm nay chia sẻ: Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng lao động đi xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, trong công tác xuất khẩu lao động vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế, đó là thị trường lao động đang bó hẹp ở một số địa bàn như Hàn Quốc, Đài Loan… chưa mở rộng được ở những thị trường có tính chất ổn định lâu dài và có thu nhập cao. Tay nghề và kiến thức ngoại ngữ của lao động hạn chế; lao động đi xuất khẩu chủ yếu làm những nghề phổ thông, đơn giản, dẫn đến thu nhập không cao.
Chị Phương cho rằng, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, kinh nghiệm mở chi nhánh, văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động tại địa phương. Ngành chức năng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện để tuyển chọn lao động đi xuất khẩu; tích cực hỗ trợ người lao động học nghề, tìm hiểu thị trường lao động để có lựa chọn đúng và có thông tin một cách đầy đủ trước khi quyết định đi xuất khẩu.
Còn tại Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Angola, Lào, các nước châu Âu... Số ngoại tệ do người lao động gửi về nước trên 4.500 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, tỉnh Hà Tĩnh có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, 99% lao động Hà Tĩnh đi xuất khẩu lao động nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Tình trạng lao động làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là những người di cư tự do khó kiểm soát được do người lao động sử dụng hộ chiếu, VISA hợp pháp đi du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, du học…
Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động-Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Dự thảo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa giải quyết được “căn bệnh” và những bất cập trong thực tế xuất khẩu lao động ở các địa phương, nhất là những nơi có đông lao động bất hợp pháp. Ban soạn thảo cần mạnh dạn điều chỉnh những vấn đề bất cập trong thực tế như: giải pháp đối với nhóm lao động di cư tự do, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xuất khẩu lao động.