Theo đó, Cục Quản lý Đường bộ IV thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại Bến phà Vàm Cống về thời gian tạm dừng hoạt động của Bến phà để người dân được biết; đồng thời, tổ chức phân luồng từ xa và tại Bến phà để người tham gia giao thông biết và thực hiện.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Đường bộ IV làm việc với Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên cầu Vàm Cống và các tuyến kết nối; tổ chức thực hiện các công việc có liên quan theo quy định hiện hành.
Theo ông Nguyễn Phúc Nguyên, Bến trưởng Bến phà Vàm Cống, sau khi thông xe cầu Vàm Cống, phà Vàm Cống vẫn hoạt động bình thường, nhưng số lượng phương tiện qua phà hàng ngày đã giảm hơn 80%.
“Bến phà Vàm Cống hiện có 161 người và mới đây đã giải quyết chế độ nghỉ việc theo nguyên vọng cho 50 người là nhân viên hợp đồng, số còn lại có nguyện vọng được tiếp tục làm việc tại các phòng nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Cụm phà Vàm Cống như phà Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắt và Láng Sắt. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có kế hoạch bố trí công việc cụ thể đối với các nhân viên của Bến phà Vàm Cống”, ông Nguyên cho biết thêm.
“Theo thông báo của Tổng cục đường bộ Việt Nam, sau khi bến phà Vàm Cống dừng hoạt động, tùy thuộc vào nhu cầu đi lại của người dân ở hai bờ sông Hậu thuộc khu vực phà Vàm Cống, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp có thể tiếp tục tổ chức một bến phà mới có quy mô nhỏ hơn để phục vụ người dân”, ông Nguyên nói.
Trước đó, ngày 19/5, cầu Vàm Cống vượt sông Hậu chính thức khánh thành và đi vào hoạt động, kết nối thông suốt toàn tuyến Quốc lộ N2 từ Bình Phước về thành phố Cần Thơ song song với Quốc lộ 1A, qua đó rút ngắn thời gian và quãng đường từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ đi Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh miền Đông Nam bộ như: Bình Dương, Bình Phước…