Ngăn ngừa hành vi bạo lực trong thanh, thiếu niên - Bài 1:

Bệnh viện cũng bị “đại náo”

"Chỉ cần một cái nhìn 'đểu' ở quán nước cũng có thể dẫn tới đâm chém nhau. Va chạm xe ngoài đường cũng sẵn sàng rút mã tấu, dao găm... Thật sự tôi không thể hiểu điều gì đang diễn ra trong đầu óc của giới trẻ, và lý do gì khiến 'tâm lý tội phạm' ngày càng gia tăng trong cá nhân mỗi con người như vậy", bà Nguyễn Thị Huấn - bán nước ở đầu phố Kim Mã Thượng (Hà Nội) chia sẻ.


Tâm trạng này của bà Huấn được rất nhiều người dân trong cuộc họp tổ dân phố chia sẻ. Vậy, vì sao hành vi bạo lực trong thanh, thiếu niên lại có xu hướng ngày một gia tăng?

 

Chúng tôi có mặt ở Khoa cấp cứu của Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) lúc 23 giờ một ngày cuối tháng 6. Bệnh nhân đông nườm nượp, những chiếc cáng đang được liên tục đưa từ xe cấp cứu vào phòng bệnh, nhiều bệnh nhân được người nhà, người quen dìu vào, máu chảy ướt cả bên vai áo.


Một bệnh nhân nữ cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức vì bị đâm trọng thương.

"Từ khoảng 21 giờ hôm trước tới 3 giờ sáng hôm sau là thời điểm mà các BS Khoa cấp cứu của BV Việt - Đức thường phải cấp cứu nhiều ca thương tích nghiêm trọng, là nạn nhân của những vụ ẩu đả trong đêm, mà trong đó không thiếu những vụ ẩu đả vì những lý do vô cùng 'đáng sửng sốt' như tranh cãi trên bàn nhậu, không nhường đường cho nhau khi phóng xe trên đường", Cử nhân (CN) Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, cho biết.


Cũng theo CN Nguyễn Xuân Vinh, lắm lúc vào buổi đêm nhưng BV Việt - Đức ồn ào như chợ vỡ vì có hàng chục thanh niên hung hãn phi xe máy từ cổng BV vào thẳng khu vực phía ngoài phòng cấp cứu để thăm “anh em” vừa bị đả thương. Họ vừa đi, vừa chửi bới, tay lăm lăm mã tấu, dao bầu, rồi đập phá cửa kính, bàn ghế, máy tính và sẵn sàng “xử lý” bất cứ ai làm trái ý. Có lần, các y, BS còn phát hoảng vì cùng một lúc phải “tiếp” cả phe của người bị nạn lẫn phe đối phương. Và không có cách nào khác, các BS tại đây đành chỉ biết chú tâm vào cấp cứu cho bệnh nhân, đồng thời gọi điện cho cảnh sát 113 để nhờ sự hỗ trợ. “Nói đâu xa, nửa đêm hôm trước, có một thanh niên được được một tốp bạn trông rất hung hãn đưa vào BVchúng tôi cấp cứu với nhiều vết chém trên người. Do lúc đó trong phòng cấp cứu còn có nhiều bệnh nhân khác ở trong tình trạng nguy kịch hơn, nên chúng tôi quyết định điều trị cho những ca đó trước. Thế nhưng, tốp bạn đi cùng của thanh niên bị chém đó đã ra lệnh: “Phải điều trị cho đàn em tao trước, chúng mày muốn điều trị hay muốn chết...”, và thế là chúng tôi đành phải gác các ca cấp cứu kia lại", một BS Khoa Cấp cứu, BV Việt - Đức, kể.


Không chỉ riêng BV Việt - Đức mà nhiều BV khác như BV E (Hà Nội), BV Việt - Tiệp (Hải Phòng), BV Đa khoa Tuyên Hóa (Quảng Bình)... cũng ở trong tình trạng tương tự. Nhiều côn đồ, chừng 19 - 25 tuổi, cầm dao, súng đã xông vào những BV này để gây rối, đập phá tài sản, thậm chí chửi bới, hành hung y, bác sĩ... vì đã "không ưu tiên" cấp cứu cho "anh em xã hội" của họ.


Không chỉ với những "đối tượng xã hội đen", mà điều đáng nói là thời gian gần đây ngày càng có nhiều vụ ẩu đả, gây thương tích nghiêm trọng mà đối tượng là sinh viên, học sinh trung học. Trò chuyện với chúng tôi, CN Nguyễn Xuân Vinh vẫn chưa hết cảm giác "kinh hoàng" khi nhớ lại vụ thảm án tại tỉnh Bắc Giang hồi đầu năm 2013, khiến 1 nữ sinh trung học bị tử vong và 1 em khác bị thương nặng. Do có mâu thuẫn, nên M. và Hoa (bạn học cùng lớp với M. và là người gây án mạng) hẹn nhau ra cổng trường để “nói chuyện”. Câu chuyện giữa hai nữ sinh này nhanh chóng trở nên căng thẳng với những lời lẽ xúc phạm nhau. Lúc này, H. (em họ của M.) đi ngang qua nên xông vào bênh chị. Thấy thế, Hoa đã đã rút con dao từ trong cặp ra đâm liên tiếp vào ngực của H. và M. Hậu quả, là H. bị chết còn M. thì trong tình trạng “thập tử nhất sinh”.


Năm 2012, cả nước đã xảy ra 8.820 vụ vi phạm pháp luật (tăng 231 vụ so với năm 2011) do gần 13.300 trẻ em, người chưa thành niên gây ra, trong đó độ tuổi từ 14 - 16 chiếm 31,9% và từ 16 - 18 tuổi chiếm 61,1%, tập trung nhiều nhất ở bậc trung học cơ sở (41,8%), kế đến là trung học phổ thông (31,9%).

Ngay sau khi tỉnh lại trên giường bệnh, M. tỏ ra rất bình thường, cười nói như không có chuyện gì khiến các y, bác sĩ BV Việt - Đức và ngay cả người thân của cô bé cũng tỏ ra lo ngại và không thể giải thích nổi tại sao M. lại có thái độ như vậy. Bởi vì, ở trong hoàn cảnh đó, lẽ ra M. phải buồn bã, ân hận vì sự việc đi quá xa và đã gây ra cái chết thương tâm cho người em họ của mình...


“Chúng tôi nhận thấy, không chỉ có riêng trường hợp của em M. mà nhiều thanh, thiếu niên liên quan đến các vụ án mạng khác cũng có thái độ thờ ơ, không hề có sự biểu cảm trước nỗi đau, sự mất mát của người khác. Các em không hề dung nạp được những gì mà chúng tôi đang muốn trao đổi về tình người, về tình thân... Chính vì vậy, các bạn trẻ dễ có những hành động bột phát theo bản năng, gây hậu quả nghiêm trọng trong cộng đồng”, CN Nguyễn Xuân Vinh lo ngại.


“Theo thống kê hiện tại, số ca cấp cứu do các hành vi bạo lực chiếm khoảng 10 - 15% tổng số ca nhập viện do tai nạn thương tích tại BV Việt - Đức. Và nếu so với 5 năm trước thì tỷ lệ này có xu hướng ngày một tăng, khoảng 2% mỗi năm, chủ yếu tập trng ở lứa tuổi thanh, thiếu niên từ 15 - 30 tuổi”, CN Nguyễn Xuân Vinh, chia sẻ. Cũng theo CN Nguyễn Xuân Vinh, không chỉ gia tăng về số lượng, mức độ tổn thương từ những vụ việc bạo lực do thanh, thiếu niên gây ra đang ngày một trầm trọng hơn. "Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng tỷ lệ tử vong của những ca cấp cứu do ẩu đả thời điểm cả trước và sau khi nhập viện cũng ngày một nhiều hơn. Nguyên nhân các vụ việc có thể từ những mâu thuẫn rất đơn giản như: Liên quan đến chuyện tình cảm, xích mích nhỏ trong đá bóng, người này nhìn người yêu của người kia...”, CN Nguyễn Xuân Vinh chia sẻ.

 

 

Phương Liên

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN