Gần một tháng qua trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận 20 trẻ em nhiễm bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, trong ngày 1/6 tiếp nhận 43 ca; ngày 2/6 tiếp nhận 41 trẻ nhập viện. Số giường bệnh không đáp ứng đủ nên nhiều bệnh nhi và người nhà phải ra hành lang nằm. Khoa nhi quá tải, gặp nhiều khó khăn trong công tác theo dõi và điều trị.
Một bệnh nhi tay chân miệng biến chứng nặng đang điều trị. Ảnh: Internet |
Khoa nhi bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi hiện có 85 giường bệnh. Thế nhưng, thời điểm hiện tại đang có 275 bệnh nhi đang điều trị, trong đó có 189 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, quá tải đến 300%. Thời tiết nắng, cộng với sự chật chội và tâm lý lo lắng của người nhà bệnh nhân nên việc điều trị, chăm sóc các cháu rất căng thẳng.
Theo thống kê của Khoa nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu tháng 5 đến ngày 4/6, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 355 bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng. Số bệnh nhi khỏi bệnh và ra viện là 164 trẻ, có 2 trẻ đã tử vong. Hiện, khoa đang điều trị cho 189 trẻ. Mỗi ngày khoa tiếp nhận hàng chục trẻ nhiễm bệnh mới. Bệnh tay- chân- miệng được đã được ghi nhận tại 11/14 huyện thành phố trong tỉnh. Trong đó nhiều nhất là thành phố Quảng Ngãi với 110 ca; huyện Sơn Tịnh 71 ca; huyện Tư Nghĩa 52 ca.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ- Trưởng khoa Nhi, BV đa khoa Quảng Ngãi cho biết: Bệnh tay- chân- miệng lần đầu tiên xuất hiện ở Quảng Ngãi nên bệnh viện tuyến huyện không có kinh nghiệm và điều kiện điều trị, do đó bệnh nhân được chuyển toàn bộ lên bệnh viện tỉnh, gây quá tải. Hiện tại, phần lớn các ca bệnh đang được điều trị tại bệnh viện đều trong tình trạng nhẹ. Có 4 cháu tình trạng bệnh nặng hơn, ở giai đoạn cấp độ 2 đang được cách li điều trị tích cực.
Vì bệnh nhân khá đông nên công tác theo dõi điều trị gặp khó khăn. Nửa tháng qua, khoa nhi đã huy động toàn bộ lực lượng với 19 điều dưỡng chuyên môn và tăng cường thêm 2 điều dưỡng từ khoa khác sang phục vụ chăm sóc các cháu. Tuy vậy, số bệnh nhân liên tục tăng, khiến khoa nhi phải đề nghị sự hỗ trợ từ nhiều khoa khác. Bện cạnh đó, để giải quyết tình hình, khoa nhi đã đề nghị ban giám đốc BV cho phép chuyển những ca bệnh khác như tiêu chảy, sốt siêu vi qua điều trị tại khoa nhiệt đới nhằm giảm bớt sự quá tải đồng thời tránh sự lây lan của bệnh. Một số trường hợp bệnh nhẹ thì kê đơn cho về nhà, cứ sau 2 ngày đến tái khám một lần.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ khuyến cáo, đây là bệnh do vi rút gây ra và lây qua đường tiêu hóa, trong khi trẻ em thường thích ngậm mút đồ chơi, ngón tay nên bệnh rất dễ lây lan. Các nhà trẻ và phụ huynh khi chăm sóc con nhỏ cần thường xuyên vệ sinh các vật dụng của trẻ như đồ chơi, vệ sinh thân thể sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên cho trẻ tiếp xúc những chỗ đông người và khi trẻ mắc bệnh không nên cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác để tránh bệnh lây lan.
Bệnh tay- chân- miệng là do vi rút gây ra nên chỉ có thể theo dõi điều trị khi xảy ra các biến chứng như viêm màng não, suy tim...Với bệnh này cần theo dõi điều trị từ 5 - 7 ngày là có thể xuất viện. Trong thời gian điều trị, người nhà không được tự ý đưa bệnh nhân về nhà, vì bệnh này có thể phát triển nhanh và dễ gây ra biến chứng dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Hiện, bệnh viện cũng đã có loại thuốc điều trị tích cực cho bệnh này là thuốc Gama globulin, với đơn giá khoảng 4,3 triệu đồng/hộp. Các bệnh nhi có bệnh ở độ 2 trở lên sẽ phải sử dụng loại thuốc này.Vì thế, các phụ huynh có con bị bệnh cần yên tâm không nên hoang mang tạo tâm lý xấu với những trường hợp khác.
Đinh Thị Hương