Thực trạng đáng báo động
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là mối đe dọa và thách thức lớn lao, trong khu vực, Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn vì là nơi có địa hình thấp so với mặt nước biển và là tỉnh duy nhất chịu tác động của cả hai chế độ thủy triều; đường bờ biển dài và phần đất liền bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch, kênh mương chằng chịt, với tổng chiều dài trên 10.000 km; có nhiều cửa sông thông ra biển.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 300.000 ha đất nuôi trồng thủy sản và 118.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, được quy hoạch thành 23 tiểu vùng, chia làm 2 vùng: Vùng Bắc Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái ngọt; vùng Nam Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái mặn, lợ.
Vào mùa khô tình trạng nắng hạn kéo dài, không có nguồn nước ngọt bổ sung, mực nước nội đồng hạ thấp gây ra hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng và sự nhiễm mặn của nước ngầm, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và tài nguyên nước ngọt, làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Sự khan hiếm nước ngọt rõ nét nhất thời gian qua khi bước vào mùa khô là ở một số khu vực xa hoặc không có nguồn tiếp nước ngọt như cuối kênh Quản lộ Phụng Hiệp, ven biển Bạc Liêu - Cà Mau, khu vực Nam Cà Mau... làm cho nhiều diện tích rau màu, cây công nghiệp và lúa Đông Xuân ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước sinh hoạt cho người dân cũng như cho nuôi thuỷ sản luôn bị thiếu hụt.
Do hệ thống công trình thuỷ lợi vùng bán đảo Cà Mau và vùng Quản lộ Phụng Hiệp chưa hoàn thiện nên diễn biến xâm nhập mặn đối với tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng từ nhiều hướng. Cụ thể, từ Biển Đông, mặn xâm nhập từ các tiểu vùng Nam Cà Mau (phía Nam Quốc lộ 1) lên các tiểu vùng Bắc Cà Mau; hướng từ Bạc Liêu dọc theo tuyến Quản lộ Phụng Hiệp vào các tiểu vùng Bắc Cà Mau; hướng từ Kiên Giang theo tuyến kênh xáng Chắc Băng và hướng biển Tây vào các tiểu vùng Bắc Cà Mau, Nam Cà Mau.
Vùng Bắc Cà Mau có diện tích tự nhiên hơn 154.000 ha, bao gồm một phần diện tích huyện Thới Bình, toàn bộ huyện U Minh và phần lớn diện tích huyện Trần Văn Thời. Phần lớn diện tích vùng canh tác theo hệ sinh thái ngọt. Tuy nhiên, hiện trạng một số kênh trục chính đã bị nhiễm mặn, đất bị nhiễm phèn thường xuyên. Hệ thống đê bao và công trình điều tiết nước trong vùng vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng chưa được khép kín nên hiện trạng xâm mặn vẫn đang tiếp diễn.
Bên cạnh đó, do tính phức tạp của hệ canh tác nên việc điều tiết nguồn nước trong vùng rất khó khăn. Hệ thống hạ tầng thủy lợi vùng này mặc dù được Trung ương và tỉnh đầu tư khá nhiều nhưng nhiều nơi hiện nay bỏ ngỏ, không vận hành, nước mặn vào ra thường xuyên, kể cả trong mùa mưa nên không đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt cho vùng.
Hệ thống thủy lợi chưa được khép kín, đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu nên các vùng vẫn bị xâm nhập mặn. Từ đó, một số khu vực sản xuất lúa hiệu quả thấp, người dân tự ý đưa nước mặn vào để nuôi tôm, làm cho tình hình xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam nhận định: “Hiện nay, diện tích đất sản xuất mặn, lợ, ngọt đang xen lẫn nhau, đặt ra nhiệm vụ điều tiết, quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, Tuy vậy, đáp ứng tất cả các yêu cầu nêu trên là rất khó khăn”.
Thay đổi để thích ứng
Bên cạnh thách thức do biến đổi khí hậu, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, gia tăng dân số, phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê kông hay việc chặt phá rừng đầu nguồn cũng là những thách thức to lớn đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau.
Trước những thách thức ấy, theo ông Tô Quốc Nam, tỉnh Cà Mau đang kết hợp với các bộ, ngành, viện, trường đại học, các nhà nghiên cứu khoa học cũng như các tỉnh trong vùng tiến hành nghiên cứu nguyên nhân, diễn biến nhằm đề xuất các giải pháp tổng thể tiến tới phát triển bền vững không chỉ cho tỉnh mà toàn vùng.
Cà Mau là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long không có lượng nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông nên nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngầm và nước mưa. Do đó, việc chuyển đổi từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nước mặt thông qua việc dẫn nước ngọt từ sông Hậu về đang là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay.
Theo ông Tô Quốc Nam, nếu làm được việc này, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cả vùng ngọt và mặn, phòng chống cháy rừng… mà còn là giải pháp quan trọng hạn chế tình trạng sụp lún, điều hòa khí hậu, phát triển sinh kế, chuyển đổi sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Để hạn chế tình trạng xâm nhập mặn, hàng năm tỉnh dành khoản kinh phí khá lớn để duy tu, sửa chữa các công trình đê, đập, cống bọng cũng như sên vét hệ thống kênh mương, kết hợp củng cố bờ bao ngăn mặn, giữ ngọt, chống hạn cục bộ, phòng chống cháy rừng vào mùa khô.
Theo ngành nông nghiệp Cà Mau, tỉnh đang tập trung các nguồn lực để tiếp tục đầu tư các công trình trọng điểm thuộc Tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau, từng bước đáp ứng nhu cầu giữ ngọt cho vùng. Tuy nhiên, tỉnh đang rất cần bộ, ngành Trung ương tăng cường hỗ trợ nguồn vốn chống hạn, nghiên cứu xây dựng công trình phân ranh mặn - ngọt, giúp tỉnh giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Giải pháp của cơ quan quản lý là vậy, nhưng cái chính nhất vẫn là người dân. Để hạn chế tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất, sinh hoạt…, mỗi người dân phải sử dụng nước ngọt hợp lý, tiết kiệm nhất, chủ động trữ nước mưa, điều chỉnh lịch thời vụ, bố trí lại sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với dự báo tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và điều kiện sản xuất của từng vùng, tiểu vùng.
Ông Tô Quốc Nam cũng cho rằng, cần thay đổi tư duy phát triển và tìm ra mô hình mới trong điều kiện mới. Trong đó, cần xác định nước lợ, nước mặn cũng chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế, mà chủ lực là nuôi trồng, chế biến thủy hải sản.
Thông qua hội nghị về Phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam 2019 vừa được tổ chức tại tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, trong những năm gần đây, nhận thức về phòng chống thiên tai của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long đã tốt hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có những lúc còn chủ quan, lơ là đối với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn.
“Theo dự báo, trong giai đoạn từ năm 2025-2030, lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 7%, giảm rất nhiều, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông rất đáng quan tâm. Hiện nay, mới có 13/19 tỉnh có xây dựng và hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai, 6 tỉnh còn lại phải khẩn trương hoàn thiện phương án”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin và đề nghị các địa phương trong khu vực cần thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát hành trình, cảnh báo thiên tai như: Trạm đo mưa; cắm biển cảnh báo sạt lở; giám sát nguồn nước; cảnh báo, dự báo hạn hán và xâm nhập mặn trong khu vực.
Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, đặc biệt là dự báo lũ, xâm nhập mặn sớm (khoảng 30 ngày) để chủ động ứng phó và kịp thời điều chỉnh mùa vụ sản xuất; củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển kết hợp với xây dựng hệ thống cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long.