Vì vậy, các chủ đầu tư, nhà thầu đã thu gom đất đồi của các hộ dân hạ nền đất, cải tạo vườn đồi, chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, việc thu gom, tận dụng đất đã bị "biến tướng" thành khai thác đất ồ ạt, dẫn đến các vùng đồi bị "băm nát", lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thậm chí có những điểm khai thác đất thiếu an toàn, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Phóng viên TTXVN đã tiếp cận địa bàn xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (Hà Nội), thực hiện hai bài phản ánh về việc biến tướng khai thác đất đồi ở huyện Ba Vì, cũng như những vấn đề liên quan.
Xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (Hà Nội) nằm ở cửa ngõ phía Tây, cách trung tâm Thủ đô chừng 60 km và giáp ranh với tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt, xã Phú Sơn đang phải đối mặt với nhiều bất cập trong vấn đề quản lý đất đai. Đặc biệt là tình trạng các cá nhân, đơn vị lợi dụng các quy định cải tạo vườn đồi, tiến hành khai thác, thu gom, vận chuyển đất tùy tiện, làm cho nhiều vùng đồi bị "băm nát", khiến người dân hoang mang và bức xúc.
Đất đồi đang "chảy máu"
Từ đơn, thư phản ánh của người dân, nhiều tuần qua, phóng viên TTXVN có mặt tại địa bàn xã Phú Sơn để ghi nhận về việc các loại đất trồng cây lâu năm, đất thổ cư ở đây đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đang bị "xẻ thịt" từng ngày. Theo phản ánh của người dân, tình trạng này đã diễn ra khá lâu và ồ ạt, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, thậm chí nguy hiểm tới tài sản và tính mạng của người dân, nhưng chưa được chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc xử lý dứt điểm.
Giữa trưa Hè nóng rát, trong vai chủ thầu công trình đi mua đất để san lấp mặt bằng, dạo quanh một một vòng xã Phú Sơn rất dễ bắt gặp hình ảnh các quả đồi bị "gặm" nham nhở. Nếu nhìn từ trên cao xuống xã Phú Sơn chẳng khác nào một đại công trường đang thi công. Tại những quả đồi này, nhiều máy xúc, xe tải chở đất hoạt động nhộn nhịp. Các quả đồi bị khoét, thậm chí bị đào sâu tạo thành những cái ao cỡ lớn.
Đáng chú ý, những chỗ khai thác đất nằm ngay trong khu vực dân cư, khoét sâu gần chân móng tường nhà. Nhiều căn nhà tại thôn Đông Hữu (xã Phú Sơn) mặt trước quay lên đồi, phía sau lưng là một vực thẳm, đứng trơ trọi, dường như chỉ cần gặp trận mưa lớn, nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Tài sản và tính mạng người dân đang bị nguy hiểm rình rập. Thậm chí, có những căn nhà với tường rào xây cao cũng bị khoét đất ba phía, chỉ còn một lối đi từ nhà xuống đường, khiến cho ngôi nhà chơ vơ như ốc đảo.
Theo phản ánh của người dân, phần lớn đất đang khai thác và được chở đi nơi khác đổ là đất thổ cư và đất trồng cây lâu năm của các hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế cho thấy, một số hộ gia đình đồng ý cho xúc đất, hạ nền để cải tạo vườn, nhưng cũng có nhiều hộ gia đình không đồng ý, dẫn đến tình trạng một số hộ khai thác đất đã làm ảnh hưởng đến các gia đình nằm sát cạnh.
Phần lớn những hộ gia đình nằm trong vùng ảnh hưởng đều cho rằng: "Việc khai thác đất tùy tiện, ngay sát móng nhà ở của dân là sai, đe dọa sự an toàn của người dân, nhất là mùa mưa bão tới gần". Trong tâm trạng bức xúc, anh Trần Đăng Phi, xóm Thượng, thôn Thượng Tả, xã Phú Sơn đặt sự hoài nghi: "không biết những khu đất này có được cấp phép khai thác hay không? Nhưng tôi thấy ở xung quanh đây thì người ta xúc đất từ lâu rồi. Điểm cạnh nhà tôi mới bị múc đất đầu năm 2020, người ta khai thác ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gia đình, nên tôi mong các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ, sớm ổn định cuộc sống người dân".
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, gần đây nhất là vào các ngày 16, 17, 24/5 và ngày 6/6… dù ban ngày trời nắng nóng hay đêm khuya, vẫn có một số máy xúc đất, xe tải hoạt động khai thác đất sát các hộ gia đình thôn Đông Hữu.
Tình trạng này diễn ra đã từ rất lâu, không chỉ ở thôn Đông Hữu mà còn diễn ra ở nhiều thôn trong xã như: Thượng Tả, Nương Tụ, rừng Phường, Yên Kỳ, Quy Mông, nhưng không có lực lượng chức năng nào kiểm tra ngăn cản, có chăng cũng chỉ làm lấy lệ và tình trạng lại tiếp diễn ngay sau đó.
Có dấu hiệu khai thác, mua bán đất trái phép
Lần theo lộ trình các chuyến xe này, sau khi đào xong, đất được đưa đi đổ tại các địa điểm xóm Tả, thuộc thôn Thượng Tả, xóm Đông thuộc thôn Đông Hữu và một số địa điểm bên ngoài. Thực tế số lượng đất khai thác này được đưa đi đổ phục vụ việc san lấp ruộng, ao hồ hoặc các công trình nhà cửa, đường giao thông… Anh C.N.H, một người dân cho biết: "Chúng tôi ở đây nghe rất nhiều đến việc giá mua đất tại vườn khoảng 4.000 đồng/m3 và đưa đi bán khoảng 50.000 đồng/m3 tại nơi đổ. Tôi cũng đã từng nhiều lần phản ánh tới chính quyền nhưng đều không được giải quyết".
Ông Chu Bá Cường, xóm rừng Chùa, thôn Đông Hữu, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, chia sẻ: "Tôi cũng chẳng biết là các đơn vị khai thác có giấy phép hay chưa và có xin phép UBND xã hay không? Chỉ thấy hàng ngày máy xúc, ô tô vào múc chở đất đi qua lại nhiều bụi bẩn và môi trường cũng bị ảnh hưởng rất nhiều".
Đặc biệt hơn, việc khai thác đất tràn lan, thiếu kiểm soát đã để lại hệ lụy sau mỗi trận mưa lớn, đất đồi xói mòn chảy về đồng ruộng khiến bà con không thể sản xuất, không ít diện tích đất ruộng cũng bị lấp đầy bùn non. Theo nhiều người dân xã Phú Sơn, từ khi trên địa bàn xã có nhiều dự án xây dựng, nhu cầu về đất để san lấp mặt bằng lớn, cũng là lúc cuộc sống bị đảo lộn.
Chị Phùng Thị Thủy, xóm Thượng, thôn Thượng Tả, xã Phú Sơn, bộc bạch: Thời gian qua việc khai thác đất đá đã ảnh hưởng đến gia đình tôi rất nhiều như đổ tường, hư hỏng chuồng trại chăn nuôi, có nơi bị bồi lấp khoảng 40 đến 50cm bùn đất. Về việc này, chính quyền xã và Công ty Bình Minh (công ty khai thác đất) đến để lập biên bản nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ gì. Do đó, chính quyền và các đơn vị liên quan cần sớm làm rõ trách nhiệm, để đảm bảo lợi ích cho người dân.
Như vậy, việc người dân có bán đất cho các doanh nghiệp khai thác trên địa bàn hay chỉ là việc hạ nền, cải tạo vườn đồi thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng làm rõ thêm. Còn việc để các đơn vị khai thác tràn lan ngày đêm, tại những vùng ảnh hưởng các công trình nhà dân đang là một thực tế đáng báo động rất rõ ràng tại đây. Chính quyền các cấp thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì cần vào cuộc để trả lời thỏa đáng ý kiến của nhân dân.
Bài cuối: Có dấu hiệu buông lỏng quản lý