Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng chủ trì Hội nghị.
Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện nước ta có 43 tổ chức tôn giáo được công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động thuộc 15 tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo có những cơ quan chuyên môn giúp thực hiện những chức năng khác nhau của tôn giáo, trong đó có chức năng y tế, từ thiện nhân đạo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Ban Từ thiện; Giáo hội Công giáo Việt Nam có Ủy ban Bác ái - xã hội; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam có Ban Phước thiện… Với hệ thống tổ chức sẵn có và được phân công theo những chức năng chuyên biệt, các tổ chức tôn giáo có những thuận lợi để tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện có trên 200 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhân đạo có quy mô lớn và trên 500 cơ sở nhỏ lẻ. Hình thức tổ chức của cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo chủ yếu là các phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng khám chuyên khoa do các cơ sở tôn giáo tổ chức triển khai và thực hiện. Kinh phí chủ yếu do đóng góp của các tổ chức, cá nhân và kinh phí của cơ sở tôn giáo. Đến nay, đã có khoảng 12 triệu lượt người được khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của các tổ chức tôn giáo.
Các cơ sở khám chữa bệnh do tôn giáo thành lập tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh… Các cơ sở này nhìn chung đều hoạt động từ thiện, không thu tiền khám; bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn được khám và cấp thuốc miễn phí, hoặc giảm một phần tiền thuốc…
Một trong những cơ sở tiêu biểu là Phòng khám nội nhân đạo Xuân Hòa (Giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai), thực hiện khám Tây y với việc đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, giúp điều trị các bệnh tại - mũi - họng - mắt và các bệnh nội khoa cho bệnh nhân. Trung bình mỗi năm, tiếp nhận khoảng 9.000 lượt bệnh nhân; khám chữa bệnh và phát thuốc hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, khó khăn, lang thang cơ nhỡ…
Tu sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Đại diện Phòng khám nội nhân đạo Xuân Hòa cho biết, Phòng khám sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị và cơ sở mới, nhằm làm tốt hơn về các mặt để phục vụ bệnh nhân, các đối tượng khó khăn, neo đơn, người ở nhà trọ, có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, không phân biệt tôn giáo. Ngoài ra, năm 2019, Phòng khám sẽ đi khám bệnh và phát quà cho bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa nhiều hơn những năm trước.
Chia sẻ tại Hội nghị, Đại diện Ban Trị sự Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện lòng tin của bệnh nhân về phương pháp điều trị bằng thuốc nam ngày càng đông, nhưng nhân viên phòng thuốc còn hạn chế nên việc khám chữa bệnh chưa đáp ứng được đúng nhu cầu của bệnh nhân. Mong muốn nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký hành nghề y tế tư nhân, tạo điều kiện cho Y sĩ đông y hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo.
Tại Hội nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể; Bộ Y tế tặng Bằng khen cho 15 cá nhân có thành tích trong lĩnh vực tham gia chăm sóc sức khỏe; khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn biểu dương những kết quả đạt được của các cơ sở tôn giáo thời gian qua, góp phần quan trọng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; khẳng định Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động từ thiện nhân đạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị, các ngành và địa phương cần phối hợp đồng bộ, hướng dẫn về thủ tục để các tôn giáo hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Bộ Y tế tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quy định các tôn giáo hoạt động trong lĩnh vực này; đồng thời phát huy xã hội hóa trong lĩnh vực y tế ngày càng tốt hơn nữa.
Về định hướng thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia thành lập các trung tâm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật… vì mục đích phi lợi nhuận; nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách đặc thù với các cơ sở từ thiện nhân đạo của các tổ chức tôn giáo hoạt động vì mục đích từ thiện nhân đạo, phù hợp với hiến chương, điều lệ của các tôn giáo và quy định của pháp luật.