Bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được những thành tích thực chất và to lớn. Tuy nhiên, vẫn có một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu, trong đó có việc nâng cao vị thế chính trị của phụ nữ.
Những trở lực
Theo Báo cáo tóm tắt của Chính phủ về việc thực hiện 22 chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, có 8 chỉ tiêu của năm 2020 và có 2 chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2016 - 2021 không đạt. Đó là chỉ tiêu phụ nữ tham gia các cấp ủy, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và chỉ tiêu lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Kết quả đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy, nhiều địa phương, đơn vị không đạt tỷ lệ nữ theo quy định. Điều này chưa đáp ứng tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ /TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó “cấp ủy các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng chỉ tiêu cơ cấu phù hợp, nếu chưa bảo đảm chỉ tiêu cơ cấu thì phải để trống, bổ sung sau; gắn việc thực hiện chỉ tiêu với trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu".
Số lượng đại biểu nữ tại các cấp ủy Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hệ thống chính trị các cấp tuy đã tăng, nhưng vẫn chưa cân xứng với tiềm năng và nguồn lực của phụ nữ, đặc biệt là ở cấp cán bộ chiến lược.
Tham gia Bộ Chính trị khóa XIII chỉ có duy nhất một đại diện phụ nữ là đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương. Số nữ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII chỉ đạt 9,5% (trong số 200 ủy viên có 19 đại biểu nữ - 18 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết). Tại nhiều địa phương có rất ít, thậm chí hoàn toàn không có đại diện phái nữ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trong Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 chỉ có 2 nữ bộ trưởng và cấp tương đương trong trong tổng số 22 bộ trưởng, trưởng ngành, chiếm 4,55% (Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng). Các nữ thứ trưởng và tương đương ở mức 11/142 (chiếm 7,7%). Số nữ vụ trưởng và tương đương đạt 7,8%, nữ vụ phó và tương đương đạt 13,4%.
Công tác bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt còn khiêm tốn. Ở một số tỉnh, cán bộ, công chức nữ chiếm hơn 50%, nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo (phó giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên) còn chưa tương xứng. Số lượng phụ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt tại ủy ban nhân dân các cấp còn thấp: cấp tỉnh chiếm 7,5%; cấp huyện là 12,7%, cấp xã là 6,%.
Nguyên nhân dẫn đến sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn thấp và tăng chưa bền vững là do yếu tố văn hóa truyền thống, chuẩn mực giới - định kiến giới, mô hình phân công lao động theo truyền thống và quá trình thực thi chính sách công về bình đẳng giới chưa hiệu quả, vẫn còn có khoảng trống giữa chính sách và thực tiễn.
Để phụ nữ “tham chính” nhiều hơn
Ở nước ta sự bình đẳng giới thực chất, nhất là trong việc tạo điều kiện để phụ nữ tham gia chính quyền và hệ thống chính trị (gọi tắt là tham chính), còn có những hạn chế do nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Ánh Tuyết (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cần quán triệt 6 hàm ý và thực hiện 4 giải pháp để nâng cao hơn nữa vị thế của phụ nữ trong xã hội, trong hệ thống chính trị các cấp.
Sáu nội dung thực thi chính sách bình đẳng giới trong tham chính gồm:
Thứ nhất, coi trọng việc tăng cường truyền thông để làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của các cấp lãnh đạo và các nhóm xã hội, trong đó có nhóm phụ nữ, về vai trò phụ nữ trong tham gia chính trị, lãnh đạo đất nước. Phát huy vị thế chính trị của phụ nữ cần phải được xem xét không chỉ là một công cụ để đạt mục đích đã đề ra, mà còn là một giá trị cơ bản và quyền con người mà nhân loại theo đuổi. Sự hiện diện của phụ nữ trong mọi chu trình của chính sách đến lãnh đạo chính trị thì càng góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững của quốc gia. Chú trọng đưa lồng ghép giới vào “dòng chảy chủ đạo” trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách thực chất và đúng quy trình.
Thứ hai, tăng cường hiệu quả của thực thi chính sách bình đẳng giới trong tham chính bằng cách xây dựng kế hoạch giám sát quá trình thực thi chính sách công về bình đẳng giới trong tham chính, trong đó đặc biệt chú trọng chỉ tiêu đề ra và chỉ tiêu đạt được. Bên cạnh đó cần có sự phân công cụ thể trách nhiệm các bên liên quan đến việc thực thi, giám sát chính sách bình đẳng giới và cam kết của người đứng đầu tổ chức đối với công tác này. Định kỳ các tổ chức công nên thực hiện báo cáo về tỷ lệ sự tham chính của phụ nữ của đơn vị mình (tăng – giảm – giữ nguyên cả theo cấu trúc quyền lực ngang và cấu trúc quyền lực dọc). Hệ thống dữ liệu đó sẽ phản ánh được bản đồ phụ nữ tham chính theo tỉnh/thành phố/ngành và các cấp, các lĩnh vực) để từ đó phân tích các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, ngành mình.
Thứ ba, cần có những nghiên cứu khoa học bài bản, những cuộc khảo sát xã hội học chọn mẫu trên quy mô toàn quốc, đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (đánh giá số lượng, chất lượng, vị trí đảm nhận); cần coi trọng thỏa đáng xây dựng kế hoạch và quy hoạch bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp trên cơ sở lồng ghép giới và sự tiến bộ của phụ nữ, gắn với quá trình tham gia xây dựng luật, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới mà mục tiêu Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới đến năm 2030 đã đề ra.
Thứ tư, trước các kỳ đại hội Đảng toàn quốc; bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cần có tổng kết, đánh giá về quá trình thực thi các mục tiêu tỷ lệ nữ tham chính đã được đề ra trong các chính sách và các nghị quyết về công tác cán bộ nữ của địa phương, ngành mình. Thông qua việc đánh giá các chỉ tiêu đạt được và các chỉ tiêu chưa đạt được để phân tích nguyên nhân của vấn đề, đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp với bối cảnh của địa phương, ngành.
Thứ năm, Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương cần tham mưu và thực hiện công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện trên cơ sở rà soát các quy định của Đảng và Nhà nước về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, nghỉ hưu, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019 mới ban hành, theo đó có thay đổi về quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ (60 tuổi) và nam giới (62 tuổi) theo lộ trình. Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch có mục riêng cho cán bộ nữ. Đặc biệt, đối với phụ nữ nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương hơn, cần có những giải pháp đặc thù để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và phát triển cán bộ nữ.
Thứ sáu, về dài hạn cần nghiên cứu và hướng tới xây dựng bộ cơ sở dữ liệu/bộ chỉ số về sự tham chính của phụ nữ trong khu vực công đo lường từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương và hệ thống chính trị tỉnh- huyện – xã của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Cơ sở dữ liệu/bộ chỉ số (gồm nhiều trục nội dung, nhiều lĩnh vực, nhiều tiêu chí) sẽ giúp Ban Tổ chức Trung ương; Bộ Nội vụ cùng hệ thống ngành dọc tổ chức và nội vụ cập nhật được thực trạng số lượng, vị trí tham gia của cán bộ nữ theo nhiệm kỳ có sự so sánh tương quan giữa các tổ chức công để kịp thời đưa ra các giải pháp can thiệp về mặt chính sách phù hợp.
Bốn giải pháp để phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn các vào lĩnh vực chính trị cũng như nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội gồm:
Thứ nhất, cần tăng tỷ lệ phụ nữ ứng cử chính thức trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lên để bảo đảm quyền của phụ nữ có đại diện ngang bằng trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần bổ nhiệm thêm phụ nữ vào các vị trí quy hoạch ứng viên tiềm năng, đồng thời thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về đội ngũ cán bộ ở từng cấp, ngành, địa phương.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế để góp phần tăng tính đại diện của phụ nữ lãnh đạo, quản lý. Sự cải cách và sáng tạo từ môi trường kinh tế lành mạnh có thể mang đến những tập quán mới, tạo ra nhiều cơ hội cho sáng kiến, chấp nhận những giá trị mới, qua đó tăng sự thừa nhận xã hội với việc phụ nữ lãnh đạo, quản lý. Các vấn đề phát triển xã hội quan trọng như bình đẳng giới, bền vững môi trường, giáo dục, sức khỏe gia đình, an sinh xã hội, nguồn lực y tế có liên quan đến sự phồn vinh về văn hóa và kinh tế của đất nước, đến lượt nó sẽ là cơ hội để phụ nữ có thể tham gia vào lĩnh vực chính trị và những hoạt động ngoài gia đình.
Thứ ba, huy động nguồn lực và sự tham gia của tất cả các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị để thực hiện tốt các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành và theo dõi chặt chẽ các kết quả thực thi cụ thể để đánh giá, giám sát việc thực hiện.
Thứ tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế để tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có những thành tựu lớn về giới, bình đẳng giới. Tích cực, chủ động thể hiện trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền bình đẳng của phụ nữ.