Cùng ngày, ông Trần Châu đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định chuẩn bị nội dung tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, trong mùa nắng nóng đang diễn ra tại tỉnh Bình Định đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 18,3 ha rừng; giảm hai vụ và giảm 13,57 ha so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định xác định toàn tỉnh đã xảy ra ít nhất 15 vụ cháy rừng.
Cơ quan chức năng và địa phương đều không xác định được đối tượng gây cháy trong phần lớn các vụ cháy rừng. Chỉ có huyện Hoài Nhơn quyết liệt trong việc điều tra xác định đối tượng gây cháy. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết: “Vụ cháy rừng tại xã Hoài Đức là do đốt thực bì và đã xác định ngay được đối tượng; vụ cháy tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ) từ việc đốt rác, chưa xác định được đối tượng. Vụ cháy rừng thứ ba tại huyện Hoài Nhơn thuộc địa bàn xã Hoài Hải là do đốt thực bì từ rừng trồng cháy lan sang rừng phòng hộ. Cơ quan điều tra đã xác định được đối tượng và đang xác định diện tích để xử lý theo quy định”, ông Nguyễn Chí Công cho biết.
Ông Trần Châu yêu cầu các địa phương phải thực hiện việc điều tra, xác định nguyên nhân cháy rừng và kiên quyết xử lý theo pháp luật. Ông khẳng định: “Không có chuyện không xác định được người gây cháy. Cứ cháy ở đâu, điều tra ngay chủ rừng là ra. Còn cho rằng người đi đường vứt tàn thuốc gây cháy là không có thật. Người bảo vệ rừng nói như vậy là nói về mặt lý thuyết, không có thực tế”.
Tại Bình Định ở một số diện tích rừng đã được đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp và giao cho các chủ đầu tư dự án gần đây cũng xảy ra cháy. Lớn nhất là vụ cháy tại khu du lịch biển Kỳ Co (thành phố Quy Nhơn), nhưng các cơ quan chức năng không điều tra chủ rừng, không xác định được đối tượng gây cháy.
Ông Trần Châu nêu rõ: Thực tế, việc điều tra xử phạt đối tượng gây cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn chưa được thực hiện quyết liệt và nghiêm minh nên các đối tượng chưa sợ pháp luật. Từ bây giờ cháy rừng ở địa bàn nào thì kiểm lâm địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Khi xảy ra cháy thì phải truy cho được các đối tượng gây cháy để xử lý.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Định phải chỉ đạo ngay bằng văn bản và triển khai thực tế ngay công tác phòng cháy chữa cháy rừng; tiến hành cảnh báo cấp nguy cơ cháy rừng cho người dân biết không đốt thực bì.
Các lực lượng chủ rừng, bảo vệ rừng phải được trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng tại chỗ; kiểm tra, phát quang lại tất cả các đường bằng cản lửa, tàn cây lâm nghiệp; cử lực lượng trực, gác ngoài việc thường xuyên tuần tra nhằm đảm bảo phát hiện sớm các vụ cháy.
"Các địa phương cần tổ chức ngay mô hình quản lý rừng cộng đồng quản lý rừng bền vững tại các thôn, xã; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy chế khen thưởng, kỷ luật trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh” - ông Trần Châu yêu cầu.