Tại buổi tiếp đoàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, Bạc Liêu đang quyết tâm triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu số ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, do tiềm lực có hạn, nên tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong công tác này, nhất là thiếu trang thiết bị và kinh nghiệm xử lý trong phòng, chống dịch COVD-19.
Tính đến ngày 31/10, Bạc Liêu ghi nhận 2.828 ca dương tính, trong đó 52 ca nhập cảnh, 2.776 ca lây nhiễm trong địa phương. Riêng trong 24 giờ qua, tỉnh đã ghi nhận 414 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 143 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng. Hiện các cơ sở y tế trong tỉnh đang điều trị cho 2.061 ca, tính đến thời điểm này đã có 23 ca tử vong.
Theo ông Phạm Văn Thiều, số ca mắc mới đã vượt quá kịch bản mà Bạc Liêu xây dựng trong phòng, chống COIVID-19. Thực trạng này đã khiến cho ngành y tế đứng trước nguy cơ quá tải trong công tác điều trị. Đáng lo ngại nhất là số ca nhiễm trong các nhà máy, xí nghiệp đang tăng cao. Hiện Bạc Liêu đã có 9/64 đơn vị xã ở mức cấp độ 4 (nguy cơ rất cao)-vùng đỏ.
Trước tình hình này, Bạc Liêu đang huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng F0; nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm thiểu tối đa số ca mắc COVID-19 tử vong trong thời gian tới. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bi y tế trong khi số ca F0 trong cộng đồng tăng cao đã gây áp lực rất lớn các cơ sở y tế, nên tỉnh Bạc Liêu rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố để sớm kiểm soát dịch bệnh.
Đối với tỉnh Bình Dương, ông Pham Văn Thiều cho rằng, trong đại dịch COVID-19, tỉnh đã trải qua hơn 4 tháng chống dịch với những nỗ lực và biện pháp hiệu quả; đã kiểm soát tốt và kéo giảm số ca mắc COVID-19 xuống thấp. Từ thực tiễn, Bình Dương có thể chia sẻ cho Bạc Liêu kinh nghiệm trong phòng, chống dịch. Đặc biệt là với số ca mắc giảm đáng kể, Bình Dương có thể hỗ trợ Bạc Liêu kinh nghiệm trong truy vết cũng như phác đồ điều trị, hỗ trợ các trang thiết bị y tế như: giường bệnh, máy đo oxy, máy thở....
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh, Bình Dương chia sẻ với tỉnh Bạc Liêu về những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải. Sau hơn 4 tháng chống dịch, Bình Dương đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, ngoài chủ động ứng phó, còn tranh thủ vận động sự hợp tác hỗ trợ rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Đến nay, tình hình dịch COVID-19 ở Bình Dương cơ bản dần được kiểm soát so với trước; 96% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại. Do đó, việc thông tin hỗ trợ người lao động tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh để người lao động trở lại Bình Dương là hết sức cần thiết. Tỉnh Bình Dương sẵn sàng phối hợp với tỉnh Bạc Liêu tổ chức đưa đón người lao động trở lại Bình Dương làm việc trong thời gian sớm nhất. Ông Võ Văn Minh khẳng định, Bình Dương sẽ tổ chức tiêm vaccine đầy đủ cho công dân Bạc Liêu trở lại làm việc.
Dịp này, lãnh đạo Sở Y tế hai tỉnh đã cùng nhau trao đổi về những những giải pháp kip thời trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng tăng cao. Đặc biệt chú ý tốt khâu hậu cần, việc này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong khống chế dịch bệnh.
Thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Bình Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh trao tặng tỉnh Bạc Liêu số tiền 3 tỷ đồng, cũng như cam kết hỗ trợ thêm nhiều trang thiết bị y tế để hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.