Không khỉ làm khô các cánh đồng, hạn hán còn khiến người dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: K GỬIH -TTXVN |
Điển hình trên địa bàn huyện Bù Đốp, trong lúc hàng trăm héc ta lúa ở các xã Thanh Hòa, Thiện Hưng, Hưng Phước bỏ hoang do nắng hạn thiếu nước, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển cây trồng cho phù hợp, không chỉ chống hạn mà còn đem lại nguồn thu nhập cao hơn.
Hộ ông Nguyễn Văn Thơm, ấp 2, xã thanh Hòa, huyện Bù Đốp đã chuyển đổi hợp lý hơn 1,5 ha các loại cây gồm ngô, cà tím, bí xanh, khổ qua. Sau khi thử nghiệm cho giá trị kinh tế, ông đã mạnh dạn đầu tư từ hạt giống đến máy tưới nước. Trước đây, với diện tích trên, ông chỉ trồng mỗi năm một vụ lúa, hiệu quả thấp. Ông Thơm cho biết, gia đình trồng 1 vụ lúa, 2 vụ còn lại chuyển sang trồng ngô và hoa màu cho lợi nhuận cao hơn mà lượng nước chỉ bằng 1/5 so với cho cây lúa nên có thể chủ động được từ nguồn nước ao, hồ. Sau khi trừ mọi chi phí, lãi thu về khoảng 50 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thẫm, khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thanh Bình, sau khi thấy được hiệu quả kinh tế từ các loại cây trồng của một số hộ dân, bà nhanh chóng chuyển đổi 3 sào đất ruộng để trồng cây ngô. Hiện nay, vụ ngô của gia đình bà Thẫm đang cho thu hoạch. Bà Thẫm cho biết: “Ngô là loại cây dễ trồng, thời gian cho thu hoạch chỉ hơn 2 tháng, trong khi lượng nước để tưới ngô chỉ bằng 1/3 so với trồng lúa. Năng suất và hiệu quả kinh tế từ cây ngô cao hơn cây lúa cùng vụ. Mùa khô hạn không nên bỏ đất trống, trồng ngô là thích hợp nhất”.
Việc chuyển đổi cây trồng của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bù Đốp đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thêm thu nhập trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường.
Đến thời điểm này, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng trồng ngô, bầu, bí, dưa leo, cà... Có thể coi việc người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đúng hướng là giải pháp trước mắt, nhưng mang lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân trong giai đoạn hạn hán kéo dài. Các cách làm trên là điều kiện để bà con nông dân tiếp tục nhân rộng việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương.