Theo đó, vào lúc 9 giờ 30 phút cùng ngày, tài xế của hai xe ô tô 7 chỗ đã dừng ở làn thu phí từ hướng Thành phố Hồ Chí Minh đi Phan Thiết để phản đối việc thu phí vì họ cho rằng đây là đoạn đường chỉ sửa chữa, cải tạo nên thu phí là vô lý. Những tài xế xe này cũng cho rằng chủ đầu tư BOT Sông Phan chỉ đồng ý giảm và miễn cho các xe ô tô cá nhân, xe kinh doanh của hai xã lân cận trạm thu phí từ 40-50%, trong khi xe ô tô ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam) cạnh đó không được giảm giá là không công bằng. Do các xe ô tô dừng tại trạm thu phí nên gây ùn tắc kéo dài. Sau gần 30 phút kẹt xe, đến khoảng 10 giờ ngày 13/1, trạm BOT Sông Phan đã phải xả trạm cho xe qua để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Trước đó, vào ngày 6/1, trạm thu phí Sông Phan cũng phải xả trạm gần 30 phút do tài xế phản đối, kiên quyết không chịu mua vé qua trạm vì cho rằng đã đóng phí giao thông trên Quốc lộ 1A và yêu cầu phải xả trạm. Sự việc gây ùn ứ xe ở một làn đường, kéo dài khoảng 300m.
Trước kiến nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Thuận về việc giảm mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ cho phương tiện của các hộ dân lân cận tại trạm thu phí Sông Phan, ngày 10/1, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận phương án giảm giá cho các phương tiện của chủ sở hữu là cá nhân có hộ khẩu thường trú và các tổ chức doanh nghiệp có trụ sở chính đóng tại khu vực các xã lân cận trong phạm vi bán kính 5km so với trạm thu phí Sông Phan. Mức giá giảm đối với xe không kinh doanh là 50%, còn đối với xe khác là 40%. Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm giá vé chung cho các phương tiện như kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận không được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý.