Hàng trăm người dân sinh sống trên thuyền hoặc ngôi nhà tạm ven sông. Đàn ông thả lưới, bắt cá, đàn bà dệt thổ cẩm. Tối về, gia đình quây quần bên nhau trong tiếng cười bi bô của trẻ nhỏ. Họ là cộng đồng người dân tộc Chăm quê gốc vùng An Giang vì kế sinh nhai phải ngược lên thượng nguồn dòng Vàm Cỏ Tây (Mộc Hóa, Long An) sinh sống, lập thành một ngôi làng Chăm nho nhỏ, như một “ốc đảo” giữa những cộng đồng các dân tộc khác vùng biên giới giáp ranh này với nước bạn Campuchia. Tôi tìm đến làng Chăm này khi mặt trời vừa mới bình minh. Buổi sớm, nắng mới lên, mọi người đều hối hả bắt tay vào công việc của mình. Anh Mohamad, 31 tuổi, tươi cười khoe: Mình cùng nhóm bạn đi bán hàng tận Sài Gòn mới về tối qua. Rồi như để khoe chiến tích của mình, Mohamad kể tên vanh vách các chợ, khu phố và cả tên đường trên Sài Gòn cho tôi nghe. Có lẽ, nhiều người sống ở Sài Gòn chưa chắc đã thuộc tên đường, nhất là đường sông như anh.
Thấy chúng tôi nói chuyện vui vẻ, chị Khoti, vợ anh, bế đứa con trai gần 2 tuổi phụ họa: Anh ấy đi buôn vải với nhóm bạn trong xóm. Ở đây có nhiều người Chăm dệt vải thổ cẩm truyền thống của mình. Cứ mỗi chuyến, nhóm của anh Mohamad đi chừng nửa tháng mới về. Mọi người lấy vải thổ cẩm ở đây, chạy thuyền men theo đường thủy, lên trên đó bán cho thương lái rồi lại mua trái cây, đồ nhựa và sữa, muối mang về.
Nhìn sâu vào trong chiếc thuyền nhỏ bé dài chừng 15 mét là tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ ấy, chúng tôi thấy một niềm vui nhen nhóm bởi khác với nhiều người vẫn nghĩ, các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống khá đầy đủ. Từ tivi, tủ lạnh, nồi niêu, xoong chảo, chăn màn, ga đệm… đều khá gọn gàng ngăn nắp. Trải tấm thảm thổ cẩm hoa văn sặc sỡ đặc trưng của người Chăm, anh Mohamad chắp tay lạy trời đất, hướng mặt về phía tây, quỳ ngay trên boong thuyền của mình. Chị Khoti cười, đi lâu ngày, giờ về anh ấy phải làm lễ bù.
Chia tay gia đình anh Mohamad, chúng tôi sang chiếc thuyền bên cạnh. Ông Issmail, 64 tuổi, quấn chiếc khăn ngang bụng, xếp chiếc lưới lại bảo, tụi trẻ có thể đi buôn bán được chứ tầm tuổi tôi, ngoài nghề chài lưới chả làm được gì. Quả thực, với nhiều người Chăm sống ở đây, việc chuyển nghề là quá khó khăn do ít vốn, lại không quen phong tục tập quán của những tộc người khác. Ngày nay, việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã không còn xa lạ như xưa nữa, khoảng cách giữa mọi người dân Việt Nam đã không còn nhưng trong thâm tâm, cộng đồng người Chăm, nhất là những người lớn tuổi vẫn giữ thói quen sinh hoạt riêng của mình, sống khép kín.
Ông Issmail tâm sự, cha ông mình làm nghề chài lưới, nên ông quen con tôm, con cá, khúc sông, mùa nước lớn, ròng từ nhỏ, giờ bỏ cũng khó. Với lại, ông cũng đã thử lên bờ buôn bán mấy lần, cụt vốn lại bỏ xuống sông chài lưới. Ở đây, cua cá vẫn nhiều nên cuộc sống nói chung vẫn tạm ổn.
Theo những người Chăm lớn tuổi, mặc dù là làng chài nhập cư nhưng cuộc sống của hầu hết các hộ dân ở đây đều rất tốt. Mọi người yêu thương, đùm bọc và cuộc sống cứ bình yên trôi đi. Giải thích về việc tồn tại xóm nhỏ này, mọi người bảo, ở đây rất thuận tiện cho việc đánh bắt cá, hơn nữa, từ đây có thể đi được nhiều nơi, và quan trọng là có thể về cố hương. Năm nào cộng đồng người Chăm ở đây cũng hồi hương về quê một vài lần, đó là vào các ngày của tháng Ramadan, Lễ hội Hát Gi, Tết Roya…
Bài, ảnh: Đoàn Xá