Việc nhiều lái tàu không chấp hành quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy có phải do công tác đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ chuyên môn thuyền viên hiện nay bị buông lỏng không thưa ông?
Cả nước hiện đã cấp trên 200.000 bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển tàu thuyền. Tuy nhiên, có một bộ phận lái tàu được cấp bằng lại không hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa hoặc có thời gian nhất định mới quay lại điều khiển phương tiện, nên công tác quản lý những người đã được cấp bằng chứng chỉ chuyên môn hiện nay rất khó khăn, phân tán. Đơn cử như vụ tai nạn tại cầu An Thái, lái tàu đã được thông báo về tĩnh không thông thuyền của cầu, có phao giới hạn, nhưng ý thức chấp hành giao thông kém, năng lực chuyên môn hạn chế đã dẫn dến tai nạn đáng tiếc.
Tàu trọng tải lớn lưu thông qua gầm cầu Đuống. |
Những trường hợp không tuân thủ quy định ATGT đường thủy có thể thu hồi chứng chỉ. Thời gian qua, các cảng vụ đường thủy, thanh tra giao thông đường thủy đã thu giữ nhiều bằng lái, chứng chỉ chuyên môn của người vi phạm.
Cùng với kiểm soát chặt quy định hành nghề của các lái tàu, cần có những biện pháp gì về quản lý và hạ tầng để đảm bảo ATGT đường thủy, thưa ông?
Cục đang triển khai lắp camera giám sát tại các trung tâm đào tạo, sát hạch để kiểm soát học viên, đảm bảo bằng lái, chứng chỉ chuyên môn được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Việc để các phương tiên quá hạn đăng kiểm vẫn di chuyển là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nguyên tắc là khi phương tiện xuất bến từ một cảng nào đấy sẽ phải làm thủ tục vào bến bốc xếp hàng hóa và ở đó cảng vụ kiểm tra đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền viên… Tới đây, Cục sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu để tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ.
Thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ yêu cầu các đơn vị quản lý tăng cường chấn chỉnh công tác đào tạo bằng, chứng chỉ chuyên môn, nâng cao hạ tầng cơ sở để đáp ứng nhu cầu vận tải; rà soát hệ thống báo hiệu phù hợp và đảm bảo luồng lưu thông an toàn; tăng cường công tác đăng ký các điều kiện an toàn kỹ thuật cho các phương tiện đường thủy.
Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp các cấp chính quyền cơ sở, Cục Cảnh sát đường thủy tăng cường rà soát, kiểm tra xử lý vi phạm trên toàn tuyến thủy nội địa trên địa bàn. Ngoài ra, Cục sẽ yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý phương tiện, người lái và quản lý chặt các bến thủy nội địa.
Hiện nay, việc cải tạo, nâng cấp các công trình vượt sông cần nguồn vốn lớn và cần thời gian mới giải quyết hết được. Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bố trí điều tiết tàu, thuyền 24/24 giờ tại các cầu có nguy cơ tiềm ẩn cao nhất về hư hại, sập nếu bị tàu đâm phải; bổ sung hệ thống báo hiệu, hệ thống từ xa. Về lâu dài, Cục sẽ nghiên cứu đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành phương tiện thủy, như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện vận tải thủy để quản lý chặt hơn.
Xin cảm ơn ông!