Chỉ có 34% các phương tiện giao đường thủy được đăng ký, 61% các phương tiện được đăng kiểm. Việc buông lỏng quản lý khiến ngày càng có nhiều các vụ tai nạn giao thông đường thủy thương tâm xảy ra.
Hai cây gỗ đặt ngang thành… cảng
Trong phiên thảo luận ở tổ về Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi) chiều qua (15/10), các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rất nhiều điểm bất cập trong công tác quản lý các phương tiện giao thông đường thủy nội địa. Nhiều đại biểu nhấn mạnh tới việc chưa thể kiểm soát được hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Theo một số đại biểu, hiện công tác quản lý luồng lạch giao thông đường thủy nội địa mới đạt 45%, tức là 19.000/42.000 km đường thủy nội địa được kiểm soát, số quản lý được cũng chưa có đánh giá được thực trạng quản lý ở mức độ nào. Trên cùng một địa bàn, địa giới của tỉnh, thành phố, có sự chồng chéo trong công tác quản lý gây khó khăn cho việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn đường thủy nội địa.
Từ đầu năm 2013 tới nay đã có 450 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 220 người thiệt mạng. |
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng ở TP Hồ Chí Minh, Cục Hàng hải quản lý 7 tuyến sông dài 146 km, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý 16 tuyến đường thủy trên các tuyến sông, kênh có chiều dài 252 km, Sở Giao thông TP quản lý 87 tuyến đường thủy nội địa dài hơn 574 km… Tại thành phố có 8 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động. Trong đó, Sở Giao thông quản lý 271 cảng, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 quản lý 73 cảng. Một số cảng hoạt động không phép. Như vậy, việc phân cấp quản lý rất manh mún.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, do không quản được nên các phương tiện giao thông thủy mới gây ra nhiều tai nạn. Việc phân luồng lạch đi lại đã có quy định, UBND cấp tỉnh quy định sông hồ phải để đường cho tàu thuyền đi lại. Nhưng qua theo dõi, giám sát, đại biểu cho biết không thấy có tỉnh nào quy định cả.
Nhiều đại biểu cũng nhận định, có rất ít thông tin về giao thông đường thủy được phản ánh đúng mức. Vi phạm về giao thông đường thủy ít bị kiểm tra, xử lý, đánh giá vì lực lượng chuyên trách rất thiếu. Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đánh giá, đường thủy nội địa khai thác chủ yếu dựa vào tự nhiên, còn đầu tư rất hạn hẹp. Qua giám sát thực tế, có những nơi gọi là “cảng” nhưng chỉ có hai cây gỗ đặt ngang, láng xi măng thành cảng. Quản lý thì không quản lý được, còn đăng ký thì không đăng ký được.
An toàn đặt lên hàng đầu
Các đại biểu đều cho rằng, cần sửa lại Luật cho xứng với việc phát triển giao thông, an toàn giao thông đường thủy gắn liền với phát triển kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông.
Đại biểu Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần có qui định trang thiết bị an toàn và thiết bị hỗ trợ vì sự an toàn của người dân sử dụng các phương tiện đường thủy. Ngoài ra, phải có thêm lực lượng thanh tra giao thông đường thủy.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết, qua khảo sát thực tế, tình trạng không có áo phao trên các phương tiện thủy khá phổ biến. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấn chỉnh, buộc hành khách phải mặc áo phao.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) bổ sung, Luật Giao thông đường thủy nội địa phải quy đến cùng trách nhiệm của chủ phương tiện, tránh tình trạng chủ phương tiện cho thuê rồi khoán trắng, để người thuê chở quá tải, gây mất an toàn.
“Trong luật mới phải nhấn mạnh tới việc bổ sung các điều khoản về cứu hộ, cứu nạn”, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hài Phòng) nêu rõ. Còn đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, phương tiện phải có giấy phép lưu hành và kiểm định thường xuyên. Trang bị bộ đàm bắt buộc trên các phương tiện, sử dụng quy ước báo hiệu khẩn cấp để dễ hiểu, dễ thực hiện và nhất là cần thành lập lực lượng cứu trợ mặt nước. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) đề xuất thêm, cần có một số điện thoại riêng cho cứu nạn đường thủy. Đó phải là số điện thoại dễ nhớ như số chữa cháy, cấp cứu để người dân dễ nhớ và khi xảy ra nguy hiểm thì có thể báo ngay.
Phi Sơn