Về vấn đề này, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết: Bluezone là ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) để ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Bluezone có thể ghi nhận tiếp xúc khi hai người ngồi cách nhau 1 vách thạch cao, 1 lớp kính mà trên thực tế không hề có tiếp xúc gần. Dữ liệu này sẽ được các cán bộ y tế, cán bộ kỹ thuật cùng phối hợp với các phương pháp điều tra dịch tễ, sau đó mới có thể kết luận là có tiếp xúc gần hay không.
Bluezone rất có giá trị trong trường hợp hai người có tiếp xúc nhưng không quen biết nhau (ví dụ như đi vào quán ăn, đi siêu thị mua sắm...).
Khi đó, bằng phương pháp điều tra dịch tễ truyền thống rất khó xác định được những người có tiếp xúc gần với ca nhiễm. Lúc đó, ứng dụng Bluezone giải quyết được vấn đề này nếu mọi người cùng cài đặt và sử dụng.
Theo bà Lê Thu Hiền, Chánh Văn phòng Cục Tin học hóa, vừa qua có nhiều ca nhiễm COVID-19 có lịch trình di chuyển tới nhà hàng, quán ăn đông đúc và rất khó khoanh vùng. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia liên tục phát đi thông báo tìm người đã đến những địa điểm như trên, nên nếu tất cả đều cài Bluezone thì việc tìm kiếm những người đã từng tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm sẽ đơn giản hơn. Do đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền: Các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, cơ sở công cộng tuyên truyền, vận động khách ra vào phải sử dụng Bluezone; Các cơ sở y tế tuyên truyền, vận động cán bộ y tế và người đến cơ sở y tế cài đặt và sử dụng Bluezone.