Đã 35 năm qua, đại tá Phạm Minh Chiến (ảnh), khi đó là cán bộ chính trị của Cục Hậu cần Quân khu 5, vẫn nhớ những kỷ niệm sâu sắc khi cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại Campuchia.
Đại tá Phạm Minh Chiến kể lại: “Năm 1978, tôi đang là cán bộ chính trị Quân khu 5, được cấp trên phân công tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia cùng anh em. Lúc đó, tôi được phân công đi theo hướng của Sư đoàn 315, là sư đoàn phối hợp đối với quân khu đánh theo hướng từ biên giới Đức Cơ lên Pretvihia, Bung Lung. Các đồng chí cán bộ Quân khu giao cho cán bộ chính trị là quán triệt và giáo dục bộ đội ta hiểu và thực hiện được 2 chủ trương lớn là: Giúp bạn như giúp mình và bảo đảm thắng lợi cả về quân sự và chính trị.
Tôi vẫn nhớ đồng chí đại tá Long Ba, lúc đó là Chủ nhiệm Chính trị của Quân khu 5 dặn anh em, sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, luôn luôn nhớ câu giúp bạn như giúp mình, ta giúp bạn cũng là tự cứu mình. Đồng chí Long Ba cũng nhắc nhở anh em luôn thực hiện tốt hai thắng lợi là thắng lợi về quân sự và thắng lợi chính trị. Thắng lợi quân sự là rất tốt rồi, nhưng quan trọng nhất là phải bảo đảm thắng lợi về chính trị để bảo đảm lòng tin tuyệt đối của quân tình nguyện Việt Nam khi sang giúp bạn”.
Ngay khi mở chiến dịch, ông Chiến vừa cùng Sư đoàn 315 hành quân qua biên giới, lúc bấy giờ khoảng 12 giờ đêm, đội hình đang trên đường hành tiến thì bị quân Pol Pot phục kích bất ngờ, chúng bắn đạn như trút vào xe thiết giáp của ông. Lệnh của đồng chí chỉ huy trưởng chiến dịch lúc bấy giờ ban ra, chỗ nào bị lộ thì đành chấp nhận, ở đâu không lộ thì bảo đảm yên lặng để giữ bí mật. Xe thiết giáp của ông bị bắn đạn dữ quá, ông cùng cậu lái xe phải chui xuống hầm xe để tránh đạn. Suốt từ 12 giờ đêm cho đến 4 giờ sáng, tiếng súng mới ngừng.
Lúc đó mới có lệnh mở đòn tiến công đầu tiên, hạ nòng pháo xe tăng bắn thẳng để xua địch. Vừa bắn vừa đi, đánh lên ngã ba, ngã tư thì trời sáng hẳn. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân ta, quân Pol Pot thua trận tháo chạy, bỏ lại toàn bộ các loại xe pháo mới toanh. Vậy là ngay trong trận đánh đầu tiên, Sư đoàn 315 đã thu được rất nhiều vũ khí. Với khí thế tiến công mạnh mẽ, Sư đoàn 315 đánh đến đâu, địch chạy hết đến đó, quân ta nhanh chóng hành tiến đến giáp Battambang, sau đó quay về đóng ở Bung Lung.
Điều khiến ông Chiến vô cùng ngạc nhiên và luôn luôn tự hỏi, là tại sao trong suốt thời gian hành quân tham gia chiến dịch, họ không hề nhìn thấy thấy bóng dáng của một người dân Campuchia nào. Lúc đó ông nghĩ đến hai khả năng: Thứ nhất là có lẽ người dân sợ Pol Pot diệt chủng nên đã bỏ trốn đi. Còn khả năng thứ hai là có thể bà con đã bị giết nhiều, nên đường phố mới vắng vẻ như vậy. Phải đến hơn một tuần sau khi giải phóng, khi đơn vị về đến Bung Lung, ông mới lần đầu tiên nhìn thấy và được tiếp xúc với nhân dân Campuchia.
Hôm đó, một đoàn người chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em từ trong rừng đi ra, ông đi đến hỏi thăm. Một cụ già trong nhóm đã tiến đến nói chuyện. Ông hỏi: Cụ ơi, Campuchia giải phóng rồi, cụ có phấn khởi không? Cụ già ôm chầm lấy bộ đội Việt Nam, xúc động nói: “Phấn khởi lắm, mừng lắm, Bộ đội Cụ Hồ tốt lắm, đã 3 lần sang cứu giúp nhân dân Campuchia”. Quay sang cô gái đang đứng bên cạnh cụ già, ông Chiến hỏi: “Gia đình em đâu”, cô gái òa khóc nức nở, mãi sau mới nghẹn ngào trả lời: “Chồng cháu bị Pol Pot chặt đầu rồi, cháu theo bà con chạy vào rừng mới thoát và sống sót trở về”.
Khi đơn vị đóng quân ở Bung Lung, ông Chiến được phân công làm chính trị viên phụ trách một tiểu đoàn thanh niên xung phong, đó là những bạn trẻ mới từ Việt Nam sang làm công tác hậu cần. Nhiều bạn trẻ thắc mắc hỏi, ở Việt Nam nghe nói quân Pol Pot diệt chủng rất tàn ác, nhưng sang lại chưa nhìn thấy. Khi ấy, đơn vị ông Chiến đóng quân ở ngay cạnh khu rừng, ông biết cách đó khoảng 2 km có một cái hồ, ở trong hồ có rất nhiều chứng tích mà bọn diệt chủng Pol Pot để lại. Muốn để các em nhìn thấy những chứng tích đó, ông Chiến báo cáo đại tá Phó chính ủy Cục hậu cần Quân khu 5, cho phép đưa anh em ra hồ để tận mắt thấy sự tàn ác của quân Pol Pot.
Khi đó là mùa khô, nước hồ đang cạn, xung quanh bờ hồ nổi lên vô số những bộ xương người, những chiếc sọ người, nhiều chiếc còn bị thủng lỗ chỗ, là do quân Pol Pot lấy dùi cui có gắn dây gai găng bổ vào đầu, tạo nên những lỗ thủng. Đi cùng với bộ đội hôm đó cũng có rất nhiều bà con người Campuchia, họ lội xuống nước, bới trong đống xương những chiếc áo còn chưa bị rách nát mang về. Ông Chiến hỏi bà con nhặt những chiếc áo về làm gì, mọi người cho biết, mang về để người trong làng có nhận ra áo này của ai không.
Nhớ lời căn dặn của cán bộ cấp trên, trong suốt thời gian chiến dịch, bộ đội luôn luôn nhớ đến nhiệm vụ quan trọng là thắng lợi chính trị là tốt hơn. Quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia đã thoả thuận chỉ sử dụng của bạn 3 thứ là không khí, nước và củi, còn lại không được dùng bất kỳ cái gì của bạn, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Có hôm, một nhóm người già, phụ nữ, trẻ em mang rất nhiều hoa quả, rau, bí… đến nơi anh em đóng quân tặng cho bộ đội Việt Nam, nhưng bộ đội nhất quyết từ chối. Sau khi gặng hỏi mãi, biết được do lãnh đạo đã quán triệt tinh thần bộ đội Việt Nam giúp dân, nhưng không được lấy gì của dân. Ông cụ đứng lên nói: Ôi trời, Bộ đội Việt Nam tốt lắm, sao lại không cho ăn. Đây là quà của bà con gửi, bộ đội cứ ăn đi… “Nhưng chúng tôi vẫn nhất quyết từ chối không nhận quà, đồng thời gửi lời cảm ơn đến tình cảm tốt đẹp mà bà con đã dành cho bộ đội Việt Nam”, ông Chiến bùi ngùi nhớ lại.
Bài và ảnh:Phương Lan