Sáng 23/5, tại thảo luận tổ của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao nhất cho đến năm 2029. Tình hình xuất khẩu và nguồn vốn FDI cho thấy nền kinh tế nước ta còn nhiều cơ hội và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một số hạn chế như doanh nghiệp còn còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi như kỳ vọng, thị trường vàng có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng giá máy bay tăng cao gây ảnh hưởng đến thị trường du lịch...
Lý giải nguyên nhân những hạn chế trên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Chúng ta đang gặp những khó khăn cùng chung của thế giới. Nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu và thương mại. Khi mà kinh tế bên ngoài biến chuyển thì nó ảnh hưởng đến chúng ta lớn hơn nhiều. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, đang cơ cấu lại nên cũng có những khó khăn từ nội tại và có độ trễ, không thể ngày một và ngày hai thay đổi được".
Về thách thức chung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ba điểm nổi bật, cần tập trung tìm giải pháp khắc phục. Đầu tiên là vấn đề già hoá dân số đang diễn biến khá nghiêm trọng. Tiếp đó là vấn đề biến đổi khí hậu tác động rất mạnh không chỉ có Đồng bằng sông Cửu Long mà còn các khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng chịu tác động rất mạnh. Cuối cùng là vấn đề khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn chuyển biến chậm và chưa là động lực để thúc đẩy nền kinh tế.
Đề xuất một số giải pháp và nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung vào những giải pháp trong ngắn hạn và có tính đến dài hạn, tập trung vào đẩy mạnh 3 động lực là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cũng như đẩy mạnh các động lực mới. Theo Bộ trưởng, cần chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Tập trung vào các ngành công nghiệp mới mà Việt Nam có điều kiện tham gia sâu hơn, ví dụ như chip bán dẫn. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn lực, đẩy nhanh các dự án đầu tư công quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị đẩy mạnh các giải pháp về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Về cơ chế chính sách cho các địa phương, Bộ trưởng đề nghị báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương, báo cáo Quốc hội và Chính phủ đánh giá lại các cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương đã ban hành và áp dụng. Nếu chính sách đó đúng, trúng và hiệu quả thì ta nên nhân rộng cho các địa phương khác.
Ngoài ra, cần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, giúp khơi thông nguồn lực. "Tôi cho rằng không cần mới ở đâu cả, chúng ta chỉ cần giải quyết nhanh cho các dự án đang bị tắc, khơi thông được là đã thúc đẩy rất nhiều cho nền kinh tế, tạo niềm tin và nguồn lực mới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.