Nhân dịp đầu năm mới, TTXVN đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Tiến sỹ Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những dấu ấn của giáo dục năm qua. Xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi.
-Thưa GS Phạm Vũ Luận, ngành giáo dục vừa trải qua một năm 2013 rất sôi động với nhiều chủ trương, quyết định mang tính bước ngoặt lịch sử, cá nhân ông ấn tượng với điều gì nhất?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Năm 2013 trôi qua với nhiều ấn tượng khó quên với chúng tôi – những người làm giáo dục. Ấn tượng sâu sắc nhất, cảm động nhất là sự quan tâm của toàn Đảng, toàn xã hội trong cuộc thảo luận đi đến quyết sách chiến lược của Ban Chấp hành trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm 2013 cũng được đánh dấu bởi những kết quả tốt về thi cử của các đoàn học sinh trên quốc tế. Mới đây nhất (22/1/2014), đoàn học sinh Việt Nam tham dự Trại sáng chế quốc tế tại Đài Loan vừa trở cũng có kết quả tốt, hứa hẹn một sự thay đổi. Việc Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức các nước phát triển công bố kết quả đánh giá học sinh Việt Nam đạt thứ hạng cao cũng tạo nên niềm phấn khởi không chỉ cho các thầy cô giáo, học sinh sinh viên mà còn cả cho phụ huynh và toàn xã hội.
-Năm qua, bên cạnh việc tập trung xây dựng các chính sách lớn, chúng tôi còn thấy sự hiện diện của Bộ trưởng ở rất nhiều địa bàn. Điều gì sẽ còn ở lại mãi trong ông và ở lại trong cả những quyết sách giáo dục của đất nước sau mỗi chuyến đi này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Nếu nói về một chuyến đi cụ thể trong năm 2013 thì tôi nhớ chuyến về Bản Khoang, Lào Cai. Tôi đã chứng kiến sức mạnh tàn phá của thiên nhiên. Khi tôi lên tới nơi còn thấy rất rõ dấu vết của sự tàn phá, cả sự lo lắng, và có thể nói là kinh hoàng của các thầy cô giáo. Nhưng khi nói chuyện với tôi, các thầy cô giáo không hề nói về mình, về những khó khăn vất vả của bản thân mà chỉ kiến nghị làm sao sớm khôi phục nhà trường, đưa các cháu đi học đầy đủ trở lại, tổ chức dạy học, ăn ở cho các cháu thật tốt. Đó là ấn tượng tôi không thể quên được. Sự hy sinh của các thầy cô giáo vùng khó thật lớn lao nhưng nhiệm vụ lớn lao hơn là phải cùng các thầy cô quan tâm phát triển giáo dục ở những địa bàn này.
Trước đây, tôi cũng có nhiều chuyến đi về vùng miền núi, dân tộc, với danh nghĩa đi công tác cũng nhiều vì tôi đã có nhiều năm tham gia các ban chỉ đạo tây bắc, tây nguyên, tây nam bộ. Cũng có khi tôi tự mình đi để nhìn rõ hơn điều kiện thực tế và khă năng áp dụng một chủ trương giáo dục mới về vùng dân tộc có thích ứng hay không. (Ví dụ như với chủ trương mở rộng dạy tiếng Việt theo công nghệ giáo dục cho học sinh dân tộc – lời tòa soạn. ) Chuyến đi Bản Khoang cũng như các chuyến đi khác, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vừa giúp chúng tôi có chỉ đạo phối hợp với địa phương giải quyết những vấn đề cụ thể, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn của giáo dục, đồng thời hình thành nên những chính sách do Bộ ban hành hoặc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, cho các cơ quan khác của nhà nước để xử lý những vấn đề căn cơ cho giáo dục.
-Bộ trưởng có thể nói cụ thể hơn về các quyết sách phát triển giáo dục vùng khó khăn, dân tộc mà Bộ giáo dục đã tham mưu, ban hành gần đây?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Có thể kể ra đây 3 việc: Thứ nhất là tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất bằng cách đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp học, trước hết là ưu tiên cho phổ cập mầm non 5 tuổi, khu vực đang khó khăn nhất ở vùng sâu vùng xa. Tiếp đến là các chính sách dành cho giáo viên và học sinh. Nhân dịp đầu năm mới 2014, tôi xin thông báo một tin vui là vừa rồi, chúng tôi đã tham mưu để gần đây, Thủ tướng đã ban hành quyết định từ năm 2014 các học sinh dân tộc thi đỗ đại học được hưởng chế độ như học sinh cử tuyển. Chính sách này đã khắc phục được bất cập lâu nay là chúng ta chỉ hỗ trợ cho những học sinh dân tộc không thi đỗ vào đại học theo học các hệ cử tuyển.
Những em nỗ lực học giỏi thi đỗ đại học thì gia đình phải tự trang trải chi phí. Nếu chỉ có vậy thì vô tình chính sách của chúng ta đang chỉ khuyến khích học sinh học yếu hơn và chưa quan tâm đến học sinh học giỏi. Việc này là để khuyến khích các cháu học giỏi, học khá cũng nhận được sự hỗ trợ như các bạn chưa học tốt bằng, tạo điều kiện cho các cháu sau khi học trở về quê hương để góp phần xây dựng mảnh đất phên dậu của chúng ta. Tiếp đến một chính sách vừa được xây dựng và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành là cho thầy cô giáo ở miền xuôi lên miền núi công tác sau 5 năm tiếp tục ở lại sẽ được hưởng phụ cấp thu hút như 5 năm đầu lên vùng khó công tác. Điều này để đảm bảo công bằng trong cống hiến của các thầy cô giáo, đồng thời quan trọng hơn là tôn vinh sự đóng góp, hy sinh, chịu đựng của các thầy cô giáo bám trụ lại vùng khó khăn để mang con chữ đến cho các cháu.
- Cuối cùng, xin Bộ trưởng cho biết giáo dục Việt Nam năm 2014 có gì mới?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Qua thực tiễn những tháng vừa rồi, chúng tôi thấy, rất vui mừng thấy với Nghị quyết số 29 của Hội ghị BCH trung ương Đảng lần thứ 8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo thì có thể nói ý Đảng và lòng dân đã có sự gặp nhau thống nhất. Qua việc các địa phương, các bộ, ngành triển khai việc quán triệt Nghị quyết trung ương cùng với sự cố gắng chủ động của ngành giáo dục đào tạo cũng như cấp ủy chính quyền các địa phương thì nghị quyết 29 đã từng bước đi vào nhận thức của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền quản lý cũng như các thầy cô giáo trong toàn ngành. Học sinh sinh viên cũng có sự chuyển động. Việc triển khai thực hiện đổi mới cũng diễn ra khẩn trương với các bước đi được chuẩn bị kỹ càng.
Với việc phổ biến, học tập, quán triệt Nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đang diễn ra khắp mọi nơi, tôi tin năm 2014, nhận thức và tư duy về giáo dục sẽ có sự đổi mới. Từ đó sẽ có sự vào cuộc mạnh mẽ không chỉ của ngành giáo dục mà toàn hệ thống chính trị , của toàn xã hội tới sự nghiệp giáo dục. Tôi tin sự thay đổi đó góp phần tạo dựng thế hệ người lao động Việt Nam mới tự chủ, tự tin, có kiến thức và kỹ năng trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
-Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Hoàng Hoa – Ngọc Anh