Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, các biện pháp này nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng người lao động, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hotaj, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Hướng dẫn tạm thời của Bộ Xây dựng được áp dụng cho hoạt động thi công xây dựng công trình trên toàn quốc, bao gồm cả hoạt động sản xuất vật tư, vật liệu, cấu kiện đúc sẵn tại công trường, nhưng không áp dụng cho các hoạt động sản xuất tại nhà máy.
Cấp độ dịch tại mỗi khu vực công trình xây dựng được đánh giá theo cấp độ dịch quy mô cấp xã, hoặc cấp dưới xã tại địa phương nơi thi công. Các cấp độ tương ứng: cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) ứng với màu xanh; cấp 2 - nguy cơ trung bình có màu vàng; cấp 3 - nguy cơ cao có màu cam và cấp 4 là nguy cơ rất cao có màu đỏ.
Trách nhiệm của chủ đầu tư là thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường gồm: đại diện chủ đầu tư, nhà thầu, người làm công tác y tế... để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng đó, chủ đầu tư phải chủ động cùng với các nhà thầu xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho người lao động; báo cáo chính quyền địa phương để hỗ trợ người lao động được ưu tiên tiêm vaccine sớm nhất. Đồng thời, theo định kỳ hoặc đột xuất giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phòng, chống dịch đối với nhà thầu trên công trường và người lao động thuộc phạm vi quản lý; kịp thời khắc phục các tồn tại nếu có...
Về phía người lao động, Bộ Xây dựng cũng nêu yêu cầu hạn chế tối đa hoạt động tập trung đông người không cần thiết hoặc di chuyển, tiếp xúc với người ngoài công trường, đặc biệt khi khu vực này hay vùng lân cận có dấu hiệu bùng phát, tăng cấp độ dịch... nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho bản thân cũng như những người xung quanh.
Trong số 14 biện pháp cụ thể được Bộ Xây dựng đưa ra có những nội dung đáng chú ý như: điều chỉnh biện pháp thi công hợp lý để đảm bảo khoảng cách, giãn cách theo quy định; hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần. Trong trường hợp bất khả kháng, do đặc thù công việc buộc phải tiếp xúc gần dưới 2m hoặc có nguy cơ lây nhiễm thì người lao động phải được trang bị, sử dụng kính (loại ôm sát mặt) hoặc mặt nạ.
Ngoài ra, tại các công trường cần bố trí mặt bằng, khu vực riêng để tiếp nhận vật tư, vật liệu, thiết bị, hàng hóa phục vụ thi công với biện pháp đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm; thực hiện phương án vận chuyển người lao động hoặc bố trí nơi ở phù hợp, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định...