Kể về trận lũ vừa qua, ông Lương Sĩ Tăng (64 tuổi, trú tại thôn 9, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) chưa hết bàng hoàng. Ông Tăng cho biết, tối 6/8, trời mưa như trút nước. Đến đêm về sáng, nước lũ bắt đầu đổ về, dâng nhanh và chảy xiết khiến gia đình không kịp trở tay.
Khi thấy nước tràn vào nhà, ông Tăng chỉ kịp cất một số giấy tờ quan trọng, sau đó bế đứa cháu nhỏ gần 3 tuổi tìm nơi tránh trú, chứ không kịp kê dọn đồ đạc lên cao. Hàng xóm nhà ông cũng hò nhau tìm nơi tránh trú.
Cơn lũ dữ đã làm cho nhiều đồ đạc của gia đình ông Tăng bị hỏng, hơn 1 sào ao nuôi cá chuẩn bị cho thu hoạch, 1 héc ta lúa mới trổ bông đang phơi màu bị nhấn chìm, thiệt hại nhẩm tính cũng gần trăm triệu đồng.
“Gia đình vừa mới trả hết tiền vay từ Ngân hàng chính sách, còn dư ít vốn đầu tư cho chăn nuôi và vụ lúa Hè Thu. Thế nhưng, lũ về đã cuốn trôi sạch”, ông Tăng nói.
Cơn lũ vừa qua cũng đã “cuốn trôi” ước vọng thoát nghèo của mẹ con bà Dư Thị Mẫu, trú ở thôn 9, xã Ea Rốk. Do hoàn cảnh khó khăn, cách đây 6 năm, bà Mẫu cùng con trai khăn gói từ Thanh Hóa vào vùng biên giới này sống nương nhờ người em trai. Hàng ngày, con trai bà phụ sửa điện tử cùng cậu, còn bà sức khỏe yếu nên chỉ quanh quẩn làm những việc lặt vặt trong nhà. Sau nhiều năm ki cóp, vay mượn bà mua được mấy mét đất cạnh Tỉnh lộ 1.
Được sự giúp đỡ của bà con lối xóm, mẹ con bà Mẫu cũng dựng được căn nhà (thực chất như cái lều móng được xây bằng gạch, xung quanh thưng tôn) vừa là nơi để ở, vừa là chỗ để con trai mở cửa hàng sửa chữa điện tử. Thế nhưng, trận lũ vừa qua đã làm căn nhà hư hỏng nặng, phần bếp phía sau bị cuốn trôi, một bên móng bị nước xói sâu vào trong, có nguy cơ đổ sập.
Khi nhắc về trận lũ vừa qua, người phụ nữ khắc khổ rớm nước mắt, kể: Hai mẹ con mới chuyển về nhà mới ở được 2 ngày thì lũ về. Sáng 7/8, nước lũ dâng cao, tràn vào nhà, chảy xiết. Khi thấy nước ngập vào nhà khoảng 1m, phần bếp bị cuốn trôi, bà cùng con trai phải chạy sang hàng xóm để trú nhờ. Sau khi nước rút, về đến nhà thấy đồ đạc ngổn ngang, bùn đất ngập ngụa khắp nơi.
“Bây giờ thêm một trận lũ nữa là cuốn phăng tất cả. Tôi chỉ mong các cấp chính quyền xem xét, hỗ trợ để mẹ con có động lực vươn lên tiếp tục sống”, bà Mẫu nức nở.
Chủ tịch UBND xã Ea Rốk Đinh Xuân Đồng cho biết, hiện nay, lũ đã rút, không còn vùng nào trong xã bị chia cắt, người dân đang dọn dẹp nhà cửa, vườn tược để ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương đang chỉ đạo Hội đồng đánh giá thiệt hại của xã xuống các thôn để đánh giá thực tế thiệt hại do đợt lũ gây ra. Đợt lũ này đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất của người dân.
Đối với xã Ea Rốk, kinh tế của bà con gần 100% là sản xuất nông nghiệp, với cây trồng chủ lực là lúa nước. Vụ Hè Thu, toàn xã gieo trồng được hơn 1.000 héc-ta thì có tới hơn 800 héc-ta bị ngập; trong đó có nhiều diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch, vừa mới trổ bông nên nguy cơ mất trắng là rất cao.
Ngoài thiệt hại về sản xuất như lúa, hoa màu, vật nuôi thì vấn đề đường giao thông đi lại, hệ thống kênh mương cũng bị xuống cấp, sạt lở do lũ. Thêm nữa là nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, phát tán mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi là rất lớn.
“Xã Ea Rốk có trên 2.600 hộ, với gần 10 nghìn nhân khẩu, trong đó khoảng 40% dân số là hộ nghèo. Trước đợt lũ này, dịch tả lợn châu Phi đã "quét sạch" đàn lợn của xã, giờ lại thêm lũ lụt nên khó chồng thêm khó. Sau khi đánh giá thiệt hại xong, xã rất mong cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất”, ông Đồng trăn trở.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Ea Súp là một trong số những huyện nghèo nhất và được xem là rốn lũ của tỉnh Đắk Lắk, cứ mưa lớn là ngập. Từ ngày 6 đến ngày 8/8, trên địa bàn có mưa rất lớn, có nơi đo được gần 400mm, nước từ thượng nguồn đổ về hạ du lớn nên đã gây ngập lụt trên địa bàn toàn huyện, giao thông bị chia cắt, nhiều xã bị cô lập.
Do xác định được tình hình, nên công tác chỉ đạo của huyện kịp thời, ứng phó nhanh, chủ động và có sự vào cuộc của nhiều lực lượng, đặc biệt là lực lương quân đội, biên phòng, công an, Đoàn kinh tế quốc phòng 737 trong công tác di dân, cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Đợt lũ vừa qua, trên địa bàn huyện không có người tử vong, không có thiệt hại lớn về nhà cửa, tuy nhiên, sản xuất bị thiệt hại nặng nề. Thống kê sơ bộ, mưa lũ đã làm ngập 7.000 ha cây trồng các loại, chủ yếu là lúa nước; trên 600 ngôi nhà bị ngập; 1.800 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 33 ha ao cá bị thiệt hại; nhiều tuyến giao thông, kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính thiệt hại gần 800 tỷ đồng.
Sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ lụt, đồng thời khẩn trương thống kê thiệt hại của nhân dân sau lũ, để có phương án hỗ trợ người dân.
Trước mắt, huyện tiếp tục rà soát các hộ bị thiệt hại và khó khăn để hỗ trợ nhu yếu phẩm, cứu đói cho người dân, chỉ đạo ngành y tế của huyện tổ chức tiêu độc, khử trùng, đảm bảo môi trường, không để bùng phát các dịch bệnh sau mưa lũ; thực hiện việc kiểm tra, dọn dẹp các trường học bị ảnh hưởng để đảm bảo các cháu được tựu trường đúng thời gian quy định; khắc phục tạm thời các điểm giao thông bị sạt lở để lưu thông được thuận tiện...
Về lâu dài, trên cơ sở thống kê, thẩm định những thiệt hại trong đợt lũ vừa qua, UBND huyện sẽ báo cáo cấp trên bố trí kinh phí để hỗ trợ người dân về giống cây trồng, vật nuôi... Bên cạnh đó, huyện sẽ làm việc với các ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ cho nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ, đồng thời cho người dân vay thêm nhằm khôi phục lại sản xuất, dần ổn định đời sống.