Bớt gánh nặng trẻ bỏ rơi cho nhà chùa

Giảm tình trạng bỏ rơi trẻ em - Bài 2: Bớt gánh nặng cho nhà chùa


Mặc dù được các nhà chùa hoặc trung tâm nhận nuôi nhưng cuộc sống của trẻ bị bỏ rơi còn gặp nhiều thiếu thốn. Nhà chùa vốn quen việc đạo, việc chăm lo ăn, ở chữa bệnh cho các cháu nhỏ bị bỏ rơi không tránh khỏi lúng túng. Còn tại các trung tâm bảo trợ xã hội, chế độ quá thấp cũng ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc về vật chất và tinh thần cho trẻ.


Vẫn nhiều khó khăn, thiếu thốn


Trong câu chuyện về quá trình nhà chùa nhận nuôi các cháu nhỏ, theo sư thầy Thích Đàm Tiến (chùa Phổ Minh), nhà chùa vốn xưa nay chỉ quen lo việc đạo, bỗng nhiên các sư thầy “lâm vào” hoàn cảnh phải chăm bẵm trẻ con nên gặp rất nhiều lúng túng vì chưa hề có kinh nghiệm. Từ bình sữa cho trẻ bú đến quần áo, tã lót, bỉm, sữa... cho trẻ, các sư thầy phải ra cửa hàng hỏi người bán tư vấn mua.


Sư thầy Thích Đàm Tiến đang giở lại kỷ vật của một người mẹ gửi gắm.


Cuộc sống của các nhà tu hành nơi đây cũng bị xáo trộn. Những khi các cháu ốm đau hắt hơi sổ mũi, những lúc đêm hôm trẻ đói khát khóc đòi, nhà chùa phải thay nhau cho ăn, bế ẵm, đưa đi khám bệnh, lắm khi thức trắng đêm. Hiện nay nhà chùa có 8 người, gồm 4 nhà sư, 1 người giúp việc và 3 cháu nhỏ. Vừa neo người lại toàn là những người trên 60 tuổi, nguồn thu eo hẹp, nên sư thầy Thích Đàm Tiến nhiều đêm mất ngủ nghĩ đến tương lai, khi các cháu học lên cao, phải lo toan và chi phí nhiều thêm.


Khác với chùa Phổ Minh, chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) đã nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi hơn 20 năm. Tuy nhiên, hiện nay, do tiếp nhận ngày càng nhiều trẻ nên nhà chùa cũng chật vật. Sư thầy Thích Đàm Lan cho biết: “Các cháu vào đây thì mỗi cháu một cảnh. Cảnh nào cũng khổ”. Hiện tại, nhà chùa đang nuôi dưỡng 153 cháu các độ tuổi từ sơ sinh đến học cao đẳng (có 4 cháu học cao đẳng), trong đó có 5 cháu nhỏ nhiễm HIV.


“Kinh tế khó khăn, để lo cho các cháu, nhà chùa luôn phải phải tằn tiện, chắt chiu. Đã vậy, ngày nào cũng có cháu nằm viện, không ở Bệnh viện Xanh Pôn thì ở Bệnh viện Nhi Trung ương”, sư thầy Thích Đàm Lan chia sẻ.


Sư thầy Đàm Lam cũng cho biết: Với các cháu nhiễm HIV, nhà chùa nuôi một thời gian cứng cáp rồi chuyển lên trung tâm bảo trợ xã hội để trẻ được hưởng điều kiện thuốc thang và chữa bệnh tốt hơn. Còn đối với các cháu đi học, mỗi tháng nhà chùa phải lo hàng chục triệu đồng tiền đóng học.


Với những cháu nhỏ đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội, tuy có chế độ của Nhà nước, nhưng cũng rất hạn chế. Ông Nguyễn Huy Lợi, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hưng Yên, nơi đang nuôi dưỡng 75 hoàn cảnh neo đơn, trong đó có trẻ em bị bỏ rơi cho biết: “Trung tâm vẫn còn rất nhiều thiếu thốn, cơ sở vật chất xuống cấp. Do đó, ảnh hưởng đến việc chăm sóc đời sống sinh hoạt hàng ngày cho các đối tượng. Mức chuẩn trợ cấp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 80.000 đồng/tháng, chỉ bằng 20% mức sống trung bình năm 2011, bằng 36% chuẩn nghèo thành thị và 45% chuẩn nghèo nông thôn nên chưa đủ đáp ứng yêu cầu bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em”.


Cần cộng đồng chung tay


Giãi bày nguyện vọng để có thể chăm lo tốt hơn cho những trẻ bị bỏ rơi đang nương nhờ nơi cửa Phật, sư thầy Thích Đàm Tiến mong muốn cộng đồng, chính quyền và trường học, bệnh viện cùng san sẻ gánh nặng với nhà chùa. “Những lúc các cháu đi học, đi khám chữa bệnh cần được ưu tiên miễn học phí hoặc được hỗ trợ hàng tháng một phần kinh phí. Mặc dù theo luật pháp, với những cháu bị bỏ rơi đã được nhận làm con nuôi thì không còn được hưởng các hỗ trợ, nhưng cũng mong Nhà nước chiếu cố cho hoàn cảnh của các cháu và của nhà chùa”, sư thầy bày tỏ.


Là một ngôi chùa có “thâm niên” hơn 20 năm nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, trong số đó nhiều trẻ nhiễm HIV, chùa Bồ Đề những năm qua cũng nhận được sự trợ giúp lớn từ xã hội. Nhiều sinh viên trường y và các bác sĩ sau khi về hưu tình nguyện đến chùa để thăm khám, kê đơn thuốc cho các cháu nhỏ. Hàng ngày, chùa vẫn được nhận nhiều đơn vị tặng quần áo cũ, chậu giặt, đồ ăn, gạo, dầu, mì chính... Những dịp Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Tết Nguyên đán, nhiều cá nhân và đơn vị từ thiện quan tâm tặng quà, tổ chức vui chơi cho các cháu. Tuy nhiên, so với số lượng hàng trăm cháu nhỏ trong đó có nhiều cháu học ở các cấp học, cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng được tốt việc học của các cháu. Sư thầy Thích Đàm Lan chia sẻ: “Nếu có kinh phí, nhà chùa có nguyện vọng xây nhà ở cho các cháu được rộng rãi, khang trang hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Thậm chí, bố trí phòng học và thư viện nhỏ cho các cháu”.


Nguyện vọng được cộng đồng chung sức giúp đỡ cũng là mong muốn của nhiều trung tâm bảo trợ xã hội, đỡ bớt gánh nặng cho những nơi này. Ông Nguyễn Huy Lợi cho biết tới đây, tỉnh Hưng Yên sẽ cấp kinh phí để trung tâm cải tạo khu nhà ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt của các đối tượng. Tuy nhiên, để đời sống của những mảnh đời bất hạnh nơi đây được cải thiện hơn mỗi ngày vẫn rất cần sự quan tâm nhiều hơn từ các tổ chức, đoàn thể và các tấm lòng hảo tâm gần xa.


Bài và ảnh: Mạnh Minh


Bài cuối: Thực hiện các biện pháp trợ giúp

Những phận đời nương nhờ cửa Phật
Những phận đời nương nhờ cửa Phật

Những trẻ em bị bỏ rơi lâu nay luôn được Nhà nước, nhiều tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, việc chăm sóc các em trong các cơ sở nuôi dưỡng cũng bộc lộ những hạn chế nhất định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN