Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Thái Bình) đã kiểm tra, lấy mẫu xác minh.
Kết quả cho thấy, hiện tượng cá chết phát sinh từ sông Bạch (đoạn từ cầu Mùa đến chân cầu Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) theo dòng chảy, chảy vào bờ Nam sông Vĩnh Trà. Phân tích chất lượng nước mặt, nước thải và kết quả phân tích mẫu cá chết, cơ quan chức năng xác định cá chết không phải do dịch bệnh mà do ô nhiễm nguồn nước.
Cụ thể, qua kiểm tra, chất lượng nước thải một số nguồn thải lớn trên địa bàn thành phố Thái Bình tại Công ty TNHH May Nien Hsing, Công ty TNHH công nghiệp Sheng Fang cho kết quả phân tích thông số quy chuẩn quy định; tại trạm xử lý nước thải tập trung phân khu Đài Tín có thông số DO vượt nhẹ 1,18 - 1,42 lần QCVN 40: 2011-BTNMT cột A.
Cá chết nổi trên sông Vĩnh Trà thời gian qua là do ô nhiễm nguồn nước. |
Riêng trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh tại vị trí cửa xả trước khi xả ra sông Bạch có độ màu vượt 2,2 - 2,5 lần, COD vượt 2,47 - 2,6 lần, coliform vượt 2,8 -2,93 lần so với QCVN 40: 2011-BTNMT cột A.
Đặc biệt, 17 giờ ngày 22/3, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Thái Bình) tổ chức kiểm tra hệ thống thoát nước mưa, nước thải các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Bình.
Kết quả kiểm tra phát hiện hệ thống thoát nước mặt của Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh (đoạn từ cuối đường Bùi Viện ra đường Nguyễn Doãn Cừ, thành phố Thái Bình) có lưu lượng nước xả lớn, qua hệ thống sông Đoan Túc (xã Phú Xuân) xả ra sông Bạch tại vị trí cầu Mùa.
Trên cơ sở kiểm tra, phân tích, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước là do đoạn sông này tiếp nhận trực tiếp một số nguồn nước thải công nghiệp xử lý chưa đạt quy chuẩn quy định, đặc biệt hiện tượng xả trộm nước thải không qua xử lý vào hệ thống thoát nước mưa của Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và một phần nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý của các khu dân cư dọc tuyến sông.
Lưu lượng các nguồn thải này chảy vào sông quá lớn, vượt quá khả năng tự làm sạch sông, gây ô nhiễm hữu cơ tạo nên hiện tượng phú dưỡng. Hiện tượng này kết hợp với yếu tố thời tiết thay đổi làm cho một số loài tảo phát triển, dẫn đến hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong nước giảm gây chết cá. Ngoài ra, việc người dân vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi xuống sông cũng là nguyên nhân gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo thành phố, các ngành liên quan thực hiện rà soát lại hệ thống nước thải tại khu công nghiệp, cửa xả nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư ra các tuyến sông, tổ chức thu gom, vệ sinh sạch sẽ tuyến sông trên địa bàn.
Đồng thời, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình sớm kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý hạ tầng dịch vụ trong khu công nghiệp; tổ chức kiểm tra, rà soát các nguồn nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại 2 khu công nghiệp (Phúc Khánh và Nguyễn Đức Cảnh) và cụm công nghiệp Phong Phú, kịp thời xử lý, yêu cầu tất cả các nguồn nước thải phải được thu gom về trạm xử lý.
Như TTXVN đã thông tin, vào ngày 21, 22/3, trên tuyến sông Vĩnh Trà (thành phố Thái Bình) nước có màu đen, bốc mùi hôi thối và xuất hiện hiện tượng cá chết. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp kiểm tra và yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân gây nên hiện tượng trên.