Tăng 200% số bệnh nhân, nhưng vật tư chỉ tăng tối đa 130%
Sau khi vấn đề thiếu vật tư y tế được nhiều Đại biểu Quốc hội bàn luận tại phiên họp ngày 1/11, lãnh đạo một số bệnh viện lớn thừa nhận đang gặp khó khăn trong việc mua sắm đầu tư công do lượng bệnh nhân tăng đột biến, trong khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch bệnh, chiến sự tại một số nước trên thế giới.
Tại Bệnh viện Việt Đức, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc bệnh viện chia sẻ, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 250 - 270 ca mổ, trong đó từ 30 - 40 ca mổ cấp cứu. Những bệnh nhân đưa tới bệnh viện đều là những ca nặng, đòi hỏi nhiều về vật tư, kỹ thuật cao. Bệnh viện vẫn duy trì 50 phòng mổ hoạt động hết công suất từ trước thời điểm COVID-19 đến nay.
Bên cạnh đó, sau dịch, số bệnh nhân đến khám tăng đột biến khoảng 200% so với thời gian dịch COVID-19 và đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi, quy định về mua sắm đấu thầu chỉ được mua vượt 130% thuốc, vật tư...
Trước thực tế trên, bệnh viện phải phân loại bệnh nhân, ưu tiên những trường hợp cấp cứu, bệnh nào có thể chờ thì phải chờ để cứu những người bệnh nặng trước. Việc gia tăng đột biến số ca khám, cấp cứu ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lập kế hoạch dự trù mua sắm. Có thời điểm, Bệnh viện Việt Đức thiếu khá nhiều vật tư. Đơn cử, cuối tháng 2/2023, bệnh viện cạn kiệt vật tư, chỉ còn cách ưu tiên mổ cấp cứu, hạn chế mổ phiên, thầy thuốc phải kê thuốc giảm đau cho bệnh nhân trong thời gian chờ đợi...
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có thể kể đến như thời gian đấu thầu. Theo ông Dương Đức Hùng, một gói thầu từ lúc xây dựng thầu, đấu thầu đến trúng thầu đòi hỏi khoảng thời gian nhất định, nhanh phải mất 4 tháng, có gói phải 8 tháng mới có kết quả, nên bắt buộc phải chờ đợi. Mặc dù gặp khó khăn, nhưng hiện tại, Bệnh viện Việt Đức cố gắng đảm bảo đủ thuốc, hóa chất xét nghiệm.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện chia sẻ, từ tháng 1/2023 đến nay, bệnh viện đã trúng thầu số lượng lớn vật tư tiêu hao cũng như là thuốc để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân. Song, không thể tránh khỏi những lúc thiếu các loại vật tư tiêu hao, các thứ thuốc mang tính cục bộ do nhiều nguyên nhân như: Thời điểm trước Bệnh viện Bạch Mai vướng vào các vấn đề liên quan đến tư pháp, nhiều máy móc đang bị đắp chiếu để phục vụ điều tra, không thể đưa vào sử dụng... trong khi số lượng bệnh nhân tăng một cách đột biến, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay.
Một nguyên nhân khác là do đứt chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất ở nước ngoài, khiến các nhà thầu không thể giao hàng một số vật tư tiêu hao, thuốc đã trúng thầu hoặc một số loại thuốc sản xuất trong nước, nhưng không nhập khẩu được nguyên liệu từ nước ngoài...
Bệnh viện xoay sở
Tuy gặp một số khó khăn trong mua sắm vật tư y tế, song, các bệnh viện đều cho rằng Nghị quyết 30, Nghị định 07, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế… đã tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tháo gỡ được các khó khăn, mua sắm gần 4.000 tỷ đồng, bao gồm trang thiết bị, vật tư (hơn 1.700 tỷ đồng), thuốc (hơn 2.000 tỷ đồng) phục vụ cho công tác điều trị.
“Mới đây, bệnh viện đã trúng thầu các gói thiết bị như 4 máy cộng hưởng từ, 2 máy chụp CT, trúng 2 gói mua sắm thiết bị nội soi đường tiêu hoá, có gói thầu máy siêu âm, Xquang; gần đây nhất là hoàn thành mua sắm 7 gói thiết bị nội soi...”, ông Đào Xuân Cơ liệt kê một số gói thầu đã đấu thầu thành công trong gần 1 năm qua.
"Để có được kết quả đấu thầu kịp thời, bệnh viện không vướng vào "hoa hồng" đối với các nhà thầu, trong các hợp đồng thầu. Mọi thứ đều công khai minh bạch, không có chuyện nhà thầu mua chuộc các cán bộ của bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện cũng đang được sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, để đưa một số máy móc 'đắp chiếu' do liên quan đến pháp lý vào hoạt động, phục vụ khám chữa bệnh...", ông Đào Xuân Cơ chia sẻ thêm.
Tại Bệnh viện Việt Đức, sau hơn 7 tháng từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30, ông Dương Đức Hùng khẳng định, không bệnh nhân nào đến bệnh viện không được mổ, bệnh viện luôn dự phòng vật tư đủ để đáp ứng cho bệnh nhân.
Riêng về những gói thầu còn tồn đọng, chưa mua bán được vật tư, bệnh viện đã yêu cầu tập hợp những vấn đề khúc mắc để tháo gỡ, tư vấn, đảm bảo sớm trúng thầu; đồng thời, vận dụng hình thức mua sắm khẩn cấp khi cần thiết.
Theo ông Dương Đức Hùng, Y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, tính chất đặc thù cao. Tất cả ban lãnh đạo của bệnh viện đều mong muốn và nổ lực để mua được thiết bị, vật tư, thuốc. Không ai muốn bị người dân phàn nàn hay để bệnh nhân đến bệnh viện vì thiếu vật tư mà nguy hiểm đến tính mạng.