Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, thực hiện các Văn bản của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Liên đoàn Lao động thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống và ứng phó các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Trong đó, nhấn mạnh việc mỗi cấp Công đoàn, mỗi cán bộ Công đoàn phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc” nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, người lao động và cộng đồng xã hội, hạn chế thấp nhất người bị lây nhiễm dịch. Với tinh thần vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội, Công đoàn các cấp coi công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tại thời điểm hiện nay nhằm góp phần ngăn ngừa, kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn cơ sở phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch của đoàn viên, công nhân viên chức - lao động tại gia đình, cộng đồng, nơi làm việc, trên đường đến công sở, nhà máy; phát huy mạnh mẽ phương châm "4 tại chỗ", bình tĩnh chủ động ứng phó mọi tình huống, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, gây hoang mang, mất ổn định trong đoàn viên và công nhân viên chức - lao động.
Các cấp Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần tăng cường tìm các giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động ở doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kêu gọi trách nhiệm xã hội và sự tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động, giúp đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động hiểu, phối hợp và đồng hành cùng tổ chức công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp theo từng đối tượng riêng. Trong đó,tổ chức Công đoàn tập trung hướng dẫn đoàn viên và người lao động tự giác thực hiện những biện pháp cơ bản như: thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang nơi công cộng, khi tham gia giao thông, tham gia cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại di động...
Thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền đồng cấp có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; thường xuyên nắm chắc tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh; xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho công nhân lao động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... Các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 61.971 trường hợp công nhân viên chức - lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh và hiện vẫn tiếp tục tập hợp số người bị mất việc hoặc thiếu việc làm để đề xuất thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có các hình thức hỗ trợ phù hợp, kịp thời, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của người lao động.