Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, nắng nóng tại khu vực Trung Bộ còn kéo dài nhiều ngày tới. Cùng với đó, từ tháng 8 trở đi cũng là cao điểm của thiên tai.
Để tìm hiểu về tình hình nắng nóng cũng như thiên tai cuối năm 2021, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Phòng Dự báo khí hậu thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, về vấn đề này.
Thưa ông, Bắc Bộ và Trung Bộ đã và đang trong những ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, ông nhận định thế nào về đợt nắng nóng đang xảy ra này?
Do ảnh hưởng của gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn kết hợp với trường phân kỳ trên cao nên ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ ngày 25/7/2021 xuất hiện nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất trong ngày ở Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến trong khoảng từ 36-39 độ C, một số nơi có nắng nóng đặc biệt gay gắt như như: tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Mê (Hà Giang), huyện Bảo Lạc (Cao Bằng): 39.5 độ C; thành phố Đà Nẵng: 40 độ C; thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam): 40,5 độ C; tỉnh Quảng Ngãi: 40,1 độ C; tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên: 40 độ C; thành phố Cam Ranh (Khánh Hoà): 39,7 độ C.
Trong đợt nắng nóng này có những kỷ lục nhiệt độ nào đã được thiết lập, thưa ông?
Với nhiệt độ như nêu trên thì tại rất nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc đều đã xuất hiện nhiệt độ cao kỷ lục của tháng 8 như tại Lào Cai mức nhiệt 39,5 đô C (đã vượt qua kỷ lục ,9 độ C ngày 18/8/2016); tại Lạng Sơn nhiệt độ ngày 5/8 là 37,7 độ C (vượt qua kỷ lục 37,0 độ ngày 22/8/1990); Hà Đông (thành phố Hà Nội) mức nhiệt 39 độ C ngày 6/8 (vượt qua kỷ lục ,5 độ C ngày 13/8/2019). Trong khi đó, ở miền Trung, tại thành phố Đà Nẵng nhiệt độ ngày 5/8 là 39,7 độ C (vượt qua mức kỷ lục 39,5 độ C ngày 15/8/1977); tại thành phố Quảng Ngãi ngày 1/8 nhiệt độ là 40,1 độ C (vượt qua kỷ lục tháng 8 là 39,9 độ C ngày 19/8/2019).
Tình trạng nắng nóng ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung sẽ còn kéo dài trong bao lâu và trong tháng 8/2021 diễn biến nắng nóng sẽ như thế nào, thưa ông?
Dự báo trong 10 ngày tới (từ ngày 10-20/8), nắng nóng tại các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, khu vực Bắc Bộ từ ngày 10/8, nắng nóng diện rộng khả năng chấm dứt, sau đó có khả năng quay trở lại từ ngày 12/8 trên khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến hết tháng 8/2021, khu vực Trung Bộ vẫn còn xảy ra nắng nóng, nhưng cường độ của đợt nắng nóng sẽ không còn gay gắt như những ngày qua; trong khi đó ở Bắc Bộ vẫn xảy ra tình trạng nắng nóng nhưng không kéo dài.
Ông nhận định thế nào về tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm 2021?
Từ tháng 8 trở đi mới là cao điểm mùa thiên tai ở Bắc Bộ và Trung Bộ, sau đợt nắng nóng diện rộng như đã phân tích ở trên thì sẽ bước vào mùa mưa; theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực Biển Đông. Đặc biệt cần đề phòng mưa lớn xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11/2021 ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.
Ông có khuyến cáo gì đối với tình hình nắng nóng và thiên tai những tháng cuối năm 2021?
Để phòng, chống các tác hại của nắng nóng, người dân không nên làm việc quá lâu, đi lại hoặc chơi thể thao cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Sau mỗi một giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong hầm lò, nhà máy, người lao động nên nghỉ giải lao khoảng 15 phút; luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính… Người dân nên dùng áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất; mang theo đủ nước uống trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng để bù nước kịp thời. Với trẻ em và người cao tuổi, trong những ngày nắng nóng cần hạn chế ra nắng.
Đối với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển (bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông, lốc, gió giật mạnh...) theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển phía Nam, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...
Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên: Cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam.
Cần chú ý rằng khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km - khoảng 200 hải lý. Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.