Quán triệt các quan điểm, nguyên tắc, phương châm và thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và tỉnh Hà Nam; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp, quy định về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là hạn chế đi du lịch, công tác, thăm người thân và những công việc không cần thiết khác đến những vùng đang có dịch COVID-19.
Những người đi từ Đà Nẵng và Quảng Ngãi về địa phương từ sau ngày 12/7 phải thực hiện khai báo y tế và tự cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà, khi có triệu chứng bất thường như sốt, ho, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định về phòng, chống dịch. Người dân kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế, công an khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc đến, đi từ các vùng có dịch COVID-19 để có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế- xã hội, có biện pháp hỗ trợ các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư nhập cảnh vào địa bàn tỉnh trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán ký hợp đồng, hoạt động đầu tư, thương mại; quan tâm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
* Chiều 27/7, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các ca bệnh lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc di chuyển đến vùng có dịch. Nếu trở về từ vùng có dịch (chú ý theo Thông báo số 16 của Bộ Y tế) chủ động theo dõi tình hình sức khỏe. Trường hợp có dấu hiệu bất thường (ho, sốt, mệt mỏi, khó thở, tức ngực…) phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Các đơn vị, sở, ngành quản lý chặt chẽ cán bộ thuộc thẩm quyền, tạm dừng các chuyến công tác, học tập, tham quan, du lịch đến vùng có dịch trong giai đoạn hiện nay; khuyến cáo đeo khẩu trang tại những nơi đông người. Đồng thời, nắm danh sách cán bộ, người dân, khách lưu trú… trở về Tiền Giang từ thành phố Đà Nẵng từ ngày 18/7/2020 trở lại đây; hướng dẫn khai báo y tế, tự cách ly theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà. Các cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát, củng cố lại hệ thống phòng, chống dịch tại đơn vị; tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống, không lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ với những tình huống phức tạp nảy sinh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng; tuyệt đối không để xảy ra trường hợp xuất nhập cảnh không được kiểm soát theo quy định. Công an tỉnh chủ trì cùng Sở Ngoại vụ và các địa phương chỉ đạo lực lượng Công an các địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý người nước ngoài đến cư trú, tạm trú bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ người nước ngoài được phép làm việc, lưu trú tại địa phương, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, khách sạn, nhà nghỉ…
Theo Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang Trần Thanh Thảo, tỉnh vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, không có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại địa phương. Các địa phương và các sở, ngành luôn quan tâm kiểm soát, quản lý người nhập cảnh, người từ các tỉnh khác về tỉnh, khách du lịch, khu công nghiệp để sớm phát hiện các trường hợp nghi ngờ...
* Ngày 27/7, Trung đoàn bộ binh 126 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức bàn giao 140 công dân hoàn thành thời gian cách ly tập trung. Đây là đợt thứ 6, tỉnh Hưng Yên thực hiện cách ly cho các đối tượng công dân trở về từ vùng dịch.
Sau thời gian 14 ngày thực hiện cách ly tập trung, 140 công nhân chủ yếu là du học sinh trở về từ Vương Quốc Anh thuộc 35 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó có 6 công dân có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng; còn lại là công dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu và nhiều tỉnh thành phố khác.
Trong quá trình cách ly, các công dân đều có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, vui vẻ chấp hành thực hiện cách ly phòng dịch; hàng ngày được đội ngũ cán bộ y tế và đơn vị tổ chức sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế theo đúng quy định. Trung đoàn 126 đã bố trí lực lượng phục vụ, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt cho từng công dân. Hàng ngày, nhân viên y tế tổ chức thăm khám, đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần virus SARS-CoV-2, kết quả các công dân đều âm tính, không có các biểu hiện ho sốt và các triệu trứng liên quan đến dịch.
Tại buổi bàn giao, Ban Tổ chức đã trao giấy chứng nhận và quà của UBND tỉnh cho các công dân, bố trí phương tiện đưa đón đến các địa điểm thuận lợi trở về gia đình; đồng thời yêu cầu các công dân tiếp tục cách ly tại gia đình, nhất là các công dân về Đà Nẵng thực hiện nghiêm các quy định của Bộ y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có nguy cơ tái phát ở nước ta.
* Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại một số tỉnh trong cả nước, chiều 27/7, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Nguyên, đến thời điểm này, tỉnh đã lập danh sách 407 trường hợp trở về từ Đà Nẵng trong thời gian từ ngày 1/7 đến nay. Trong các ngày 25-26/7, lực lượng y tế Thái Nguyên đã tiến hành lấy được 104 mẫu xét nghiệm, tất cả đều cho kết quả âm tính với virus SARS-COV-2, những trường hợp còn lại vẫn đang được lực lượng chức năng khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, kiểm soát công dân có mặt tại Đà Nẵng trong thời gian từ ngày 1/7 đến nay; đồng thời yêu cầu người dân chủ động khai báo với cơ quan y tế gần nhất và chính quyền địa phương, theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng bất thường như sốt, ho, khó thở… phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng đã ban hành công văn hỏa tốc về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân tạm dừng di chuyển đến Đà Nẵng và các vùng có dịch với mục đích tham quan, du lịch, thăm thân và những công việc không thực sự cần thiết khác.
Ngành Y tế Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị phải luôn trong tình trạng báo động để kịp thời xử lý các tình huống dịch có thể xảy ra; đảm bảo việc duy trì năng lực y tế và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống mới của dịch. Các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai báo tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn tỉnh, thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý người nước ngoài đến cư trú, tạm trú bất hợp pháp trên địa bàn, quản lý chặt chẽ người nước ngoài được phép làm việc, lưu trú trên địa bàn tỉnh, vận động quần chúng nhân dân phát hiện và tiến hành xử lý nghiêm các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng, sai sự thật về dịch COVID-19 gây hoang mang trong dư luận. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan chuẩn bị tốt phương án đảm bảo phòng, chống dịch trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.
Kể từ khi tỉnh Thái Nguyên có ca mắc COVID-19 đầu tiên, đến nay đã qua 112 ngày liên tục không có ca nhiễm mới, các hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, đi lại, học tập... của người dân đã được khôi phục trở lại bình thường. Trong tình hình hiện nay, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo an toàn phòng. chống dịch, vừa khôi phục duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo an sinh xã hội; duy trì hoạt động đường dây nóng với 22 số điện thoại để tiếp nhận các thông tin phát hiện người đi về từ vùng dịch và yêu cầu, đề nghị của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.