Các địa phương chủ động ứng phó thời tiết phức tạp

Trước tình hình diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới và cơn bão Haiyan đang di chuyển nhanh về phía Đông, các địa phương trên cả nước tập trung chỉ đạo phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại do áp thấp nhiệt đới và bão có thể gây ra.

* Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Cà Mau chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện biện pháp kiểm đếm tàu cá, bắt liên lạc và thông báo với các chủ phương tiện khai thác thủy sản tìm nơi phòng, tránh trú bão. Hơn 500 phương tiện tàu cá, với khoảng 3.500 ngư dân đang hoạt động xa bờ, từ khu vực từ Đông Nam Hòn Khoai đến bãi cạn Cà Mau và khu vực Thổ Chu đã dịch chuyển phương tiện đánh bắt ra khỏi vùng nguy hiểm, hoặc cho tàu vào bờ neo đậu đảm bảo an toàn. Tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền địa phương sẵn sàng, chủ động triển khai thực hiện phương án sơ tán, di dời gần 10.000 hộ dân cư ngụ ở vùng ven biển vào nơi tránh, trú bão an toàn.

Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh đề phòng và có biện pháp ứng phó với nước biển dâng cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển và đê biển. Chi cục Thủy lợi tỉnh có kế hoạch khai thác tối đa công suất của hệ thống cống đê biển miền Tây, thực hiện tốt chức năng điều tiết nước chống ngập úng. Các ngành chức năng kết hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân gia cố, bồi trúc bờ bao để bảo vệ hàng trăm ngàn ha sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngư dân tỉnh Ninh Thuận chằng buộc tàu thuyền phòng tránh bão tại cảng cá Cà Ná, huyện Thuận Nam. Ảnh: Công Thử/TTXVN


* Công tác triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới đã được các huyện, thị xã trong tỉnh Bình Phước triển khai đến các thôn, ấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ chiều tối 6/11 đến sáng 7/11, ở khu vực địa bàn tỉnh Bình Phước trời nhiều mây, có mưa vừa, mưa to đến rất to và có nơi có dông, lượng mưa phổ biến từ 80mm đến 100mm.

Tỉnh đề nghị các huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan phân công cán bộ trực ban 24/24 giờ, đúng quy định, cập nhật thông tin; đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại chỗ để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố thiên tai xảy ra. Các cơ quan, đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi tổ chức trực ban 24/24 giờ và cử cán bộ thường xuyên kiểm tra công trình đầu mối nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra, đảm bảo an toàn đập.

Các nhà máy thủy điện: Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để có kế hoạch phòng chống lụt bão cụ thể cho từng công trình, thực hiện việc điều tiết vận hành xả lũ theo đúng quy chế. Khi có kế hoạch xả lũ cần thông báo kịp thời đến Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, thị xã, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng biết để có biện pháp phòng, tránh nước dâng cao. Đặc biệt, tỉnh Bình Phước chỉ đạo các địa phương cần lưu ý thường xuyên đối với những vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt hàng năm.

Các phương tiện tàu, thuyền vào neo đậu an toàn tại những khu vực tránh bão của huyện Cần Giờ. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN


* Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, từ đêm 6/11 đến sáng 7/11, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có mưa trên diện rộng khiến hơn 300 căn nhà của người dân tại khu vực thị trấn Long Thành và xã Lộc An (huyện Long Thành) ngập nặng. Tại một số xã ven sông Đồng Nai (thuộc huyện Nhơn Trạch, Long Thành và thành phố Biên Hòa) do ảnh hưởng của triều cường cộng với mưa lớn khiến nhiều ruộng vườn của người dân bị ngập...

Ngày 6/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có công điện khẩn yêu cầu các Sở, ngành, huyện, thị trong tỉnh có biện pháp chủ động đối phó với bão, lụt. Từ chiều 6/11, người dân sống ở vùng trũng thuộc huyện Long Thành, thành phố Biên Hòa đã di dời các vật dụng quan trọng đến nơi an toàn.

* Chiều 7/11, ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương đề cao cảnh giác trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và tập trung thực hiện tốt các công việc: Khẩn trương chỉ đạo gia cố, tu sửa các tuyến đê bao bảo vệ lúa, mía, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản, quản lý chặt chẽ hệ thống cống, đập dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch lớn, nhất là đối với vùng trồng cây ăn trái, vùng mía nguyên liệu, vùng nuôi trồng thủy sản… khai thông dòng chảy tất cả các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và nội đồng để tiêu thoát lũ nhanh bảo vệ dân cư và sản xuất; di dời những hộ dân đang sống ở vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn; vận động người dân điều chỉnh lịch xuống giống đợt I vụ lúa Đông xuân năm 2013 - 2014 cho phù hợp, tránh thiệt hại xảy ra...

Từ ngày 7 đến 9/11 trên địa bàn thời tiết rất xấu và cực đoan do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao, gây mưa nhiều trên diện rộng kèm theo dông, lốc xoáy, sấm sét và gió giật mạnh. Mưa gây ngập úng trên diện rộng ở các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, Long Mỹ, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

* Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông có công điện khẩn đến các huyện, thị, các đơn vị liên quan sẵn sàng đối phó với cơn bão, áp thấp nhiệt đới c hú ý theo dõi chặt chẽ các hồ, đập thủy lợi, vùng mất an toàn, xuống cấp trong mùa mưa, bão. Tỉnh đề nghị chú ý di dời nhưng hộ dân tại các khu vực nguy hiểm ven sông, suối; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây đề phòng lốc xoáy gây đổ đè gây thiệt hại đến tài sản, con người… Đối với người dân trồng cà phê cần khẩn trương thu hoạch, phơi cà phê để đảm bảo khi bão đến. Hiện nay có hàng trăm trường hợp xây nhà cửa khoét đồi núi, mặt nền đất yếu nhiều nguy cơ gây sạt lở, sụp lún nên cần phải cảnh giác thường xuyên khi mưa to.

Các địa phương, sở, ban, ngành, các đơn vị quản lý thủy lợi, thủy điện cần đề phòng tổ hợp lũ lớn ở các địa hình đồi núi dốc, xả lũ của hồ thủy điện, ngập lụt ở các vùng ven, sạt lở đất sông suối, cầu, đường… Các địa phương ở vùng dân cư thường hay bị ngập, lũ phía hạ du các công trình thủy điện lớn như Đông Nai 3, 4, thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Đắk R’tih… cần theo dõi chặt chẽ và bám sát phương án phòng chống lụt bão. Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng do mưa lũ tại vùng huyện Tuy Đức, Đắk G’long, Krông Nô là rất lớn nên cần chú ý.


PV TTXVN tại các địa phương
Thủ tướng chỉ đạo đối phó siêu bão Haiyan
Thủ tướng chỉ đạo đối phó siêu bão Haiyan

Ngày 7/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 1816/CĐ-TTg về việc chỉ đạo chủ động đối phó với siêu bão HaiYan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN